Ngày 29/7, hạn chót các địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả rà soát các khâu của kì thi THPT quốc gia 2018. Một số tỉnh có điểm thi được dư luận đặt nghi vấn “cao bất thường” đã “trắng án” vì không tìm thấy dấu hiệu tiêu cực.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 30/7, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết, hiện đơn vị này đang rà soát lần cuối cùng văn bản để báo cáo Bộ GD&ĐT.
Trước đó, đơn vị này đã tiến hành rà soát các khâu của kì thi THPT quốc gia theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Công tác rà soát tập trung ở các khâu: Coi thi, chấm thi và cho thấy, các khâu hoàn toàn nghiêm túc, đúng quy chế, không có gì bất thường trong quy trình tổ chức kỳ thi tại cụm thi tỉnh Lai Châu.
Đặc biệt là khâu chấm thi, đơn vị này rà soát kỹ lưỡng ở quy trình dễ xảy ra tiêu cực như: tiếp nhận bài thi, làm phách, chấm thi bài tự luận, chấm thi bài thi trắc nghiệm.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về nghi vấn cho rằng đơn vị này có điểm cao bất thường ở khối A1 vì số bài thi từ 25,5 điểm trở lên khá cao? ông Tuấn cho hay: “Mặc dù dư luận đặt nghi vấn như vậy nhưng tôi thấy số lượng bài thi từ 25,5 điểm trở lên như thế là không nhiều.
Nguyên nhân do số lượng thí sinh của tỉnh dự thi chiếm tỷ lệ thấp so với cả nước. Do vậy, chỉ một, hai thí sinh đạt kết quả thi cao sẽ kéo theo tỷ lệ thí sinh đạt kết quả thi cao tính chung toàn tỉnh”.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, đơn vị này cũng tiến hành chấm phúc khảo bài thi cho thí sinh và có một số bài thi có thay đổi điểm số.
Về yêu cầu rà soát lại tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Hội đồng thi ở đây đã chấm lại tất cả các bài thi từ điểm 9 trở lên, thực hiện rà soát toàn bộ, đối chiếu với ảnh và xử lý kết quả chấm đều trùng khớp. Điểm số các thí sinh này không thay đổi sau rà soát.
“Tất cả các khâu trong quá trình làm thi của Phú Thọ đều thực hiện đúng quy định, quy chế thi của Bộ GD&ĐT, đảm bảo an toàn, công bằng, khách quan”, ông Tường cho hay.
Tại Hòa Bình, một trong những địa phương được dư luận đặt nghi vấn điểm cao bất thường cũng hoàn thành việc rà soát kì thi THPT quốc gia 2018. Trước đó, vào ngày 23/7, Hội đồng chấm thẩm định tại Hòa Bình đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên để chấm thẩm định.
Kết quả cho thấy 100% bài thi trùng khớp kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với mức do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình công bố ngày 11/7.
Bộ GD&ĐT cho rằng Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thực hiện theo quy trình chấm thi của quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT, có đủ các thành phần quy định (Ban chấm thi, Ban thư ký, các tổ chấm thi, công an).
Công tác thanh tra, giám sát chấm thi thực hiện theo quy định. Các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc trong túi đựng bài thi, file ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính bảo đảm đúng quy định. Các bài thi của học sinh đều đủ chữ ký của thí sinh và cán bộ coi thi.
Tuy nhiên, Hội đồng chấm thẩm định cũng chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.
Hội đồng cũng đã kiến nghị đối với Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình rút kinh nghiệm trong việc lập biên bản khi thực hiện các bước của quá trình chấm thi trắc nghiệm.
Tại Hà Nội, Ban chỉ đạo thi TP cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, quán triệt, rút kinh nghiệm tới toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên để tổ chức tốt hơn kỳ thi tiếp theo; tăng cường công tác thông tin, truyền thông bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời; không để những sai phạm (nếu có) trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các thầy giáo, cô giáo và gây tâm lý hoang mang cho học sinh, phụ huynh và xã hội.
Trước đó, ngày 20/7/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành công văn số 3060/BGDĐT-QLCL về việc rà soát đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 gửi tới Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khẩn trương, nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của Quy chế và pháp luật.