Ou Jianxin đã nói lời tạm biệt ngắn với vợ và 2 con nhỏ của mình vào khoảng hơn 9h sáng một ngày lạnh giá tháng 12 năm ngoái. Khi ấy anh đang trên đường tới công ty sản xuất điện thoại thông minh ZTE có trụ sở tại Thâm Quyến – nơi anh vừa nghỉ việc kỹ sư nghiên cứu từ hơn 1 tuần trước.
Ou nói với vợ mình rằng quản lý công ty có gọi cho anh và hẹn tới công ty để bàn bạc một vài vấn đề gì đó. Anh nói với vợ rằng “Có một quy tắc nội bộ trong công ty. Anh có lẽ là một nạn nhân của luật ngầm đó”. Đến nay dù chưa rõ liệu có bất kỳ cuộc gặp nào diễn ra giữa Ou và vị quản lý của ZTE hay không nhưng có một điều chắc chắn là sau khi đến công ty, Ou đã đi lên văn phòng làm việc cũ của mình ở tầng 26 và nhảy lầu tự sát. Khi ấy Ou mới 42 tuổi.
4 ngày sau, vợ của Ou đã đăng tải một bài viết trên trang mạng Meipian về chồng cô và tình huống éo le dẫn đến cái chết của anh. Theo đó vợ Ou nói rằng ZTE đã từ chối đưa ra lý do về việc sa thải Ou. Hiện ZTE cũng từ chối đưa ra bình luận và vợ của Ou cũng đã gỡ bài viết khỏi trang mạng của mình.
Tuy nhiên, câu chuyện của Ou đã kịp tạo ra một đề tài tranh luận sôi nổi.Trong 4 tháng, bài đăng của vợ Ou trên Meipian đã lan truyền mạnh mẽ – được xem tới hơn 100.000 lần trước khi bị gỡ bỏ. Nhưng thông qua truyền thông và cả truyền miệng, câu chuyện đã tới tai hàng triệu người.
Tại sao ZTE lại sa thải Ou vẫn là một bí ẩn và cả quyết định kết thúc cuộc sống của Ou cũng vậy. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng vấn đề nằm ở số tuổi của Ou: Ở tuổi 42, anh ấy bị xem là quá già so với những kỹ sư khác tại Trung Quốc – nơi mà 3/4 lao động trong lĩnh vực công nghệ trẻ hơn 30 tuổi. Họ chuyển sang lo lắng với vấn nạn đã diễn ra từ nhiều năm nay: Người dùng internet Trung Quốc gọi đó là “khủng hoảng giữa tuổi 30“.
Mặc dù khuôn mặt tươi trẻ, tóc ngắn cá tính nhưng Helen He – một chuyên viên tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ làm việc tại Thượng Hải đã quá quen với áp lực tuổi tác: Hiện mới 28 tuổi nhưng cô đã luôn bị sếp của mình nhắc nhở đừng bao giờ tuyển ai quá 35 tuổi.
“Hầu hết mọi người trong độ tuổi 30 đều đã lấy vợ/chồng và phải chăm sóc gia đình – họ không thể tập trung cho công việc một cách cao nhất”, Helen nói. “Nếu một ứng viên 35 tuổi mà chưa thể leo lên được vị trí quản lý, công ty tuyển dụng thậm chí sẽ không thèm liếc nhìn CV của họ”.
Coi trọng sự trẻ trung nhìn chung đã ăn sâu vào máu ngành công nghệ Mỹ. Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg tất cả đều bỏ học để khởi nghiệp nên Apple, Microsoft, Facebook ở tuổi rất trẻ và họ đã gắn sâu văn hóa doanh nghiệp mình với điều đó. Google đã phải ra tòa vì liên quan tới việc làm trái đạo luật tuổi tác tại California kể từ năm 2015 và trong tháng 3, cơ quan điều tra cáo buộc rằng IBM đã cắt giảm 20.000 lao động lớn tuổi tại Mỹ trong 5 năm để thuê một lượng lớn những người sinh sau năm 1980. Tất cả những công ty này thì vẫn khẳng định họ tuân thủ đúng luật lao động.
Tại Trung Quốc, sự phân biệt tuổi tác thậm chí còn kinh khủng hơn ở Mỹ. Mỉa mai thay hầu hết các công ty công nghệ nổi tiếng tại đây đều được khởi đầu bởi một người đàn ông lớn hơn 30 tuổi. Lei Jun – nhà sáng lập của Xiaomi –startup trị giá 80 tỷ USD khởi nghiệp ở tuổi 40. Jack Ma 34 tuổi khi ông mở đế chế thương mại điện tử Alibaba. Robin Li 31 tuổi khi xây dựng nên công cụ tìm kiếm Baidu. Một vài ngoại lệ gồm có Pony Ma – ông chủ Tencent khởi nghiệp năm 27 tuổi. Một vài nhân vật mới nổi trong ngành như Cheng Wei – sáng lập Didi Chuxing và Zhang Yiming của Toutiao cũng thành lập công ty trong độ tuổi ngoài 20.
Áp lực đè nặng lên những lao động già trên khắp các ngành công nghiệp tại Trung Quốc nhưng nó đặc biệt đáng lo ngại trong lĩnh vực công nghệ.
“Làm việc trong ngành công nghệ giống như một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Bạn phải làm việc cực kỳ chăm chỉ từ 20 – 40 tuổi và hy vọng đạt được thứ gì đó lớn lao. Sau đó, là khoảng thời gian chuyển sang làm một thứ gì khác và để ai đó trẻ hơn đảm nhận vị trí của bạn”.
Bề nổi, cái chết của Ou giống với làn sóng tự sát của những công nhân lương thấp tại nhà máy Foxcomn vào năm 2010 và 2011. Trong đất nước 1,4 tỷ dân, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có thể phát triển nhanh hơn các công ty nước ngoài nhờ việc trả chi phí rẻ hơn đối với những lao động trẻ, ít kinh nghiệm mới ra trường. Áp lực cạnh tranh khiến các công ty internet Trung Quốc thường muốn nhân viên của họ làm việc với lịch trình 996: Tức là 9h vào làm, 9 giờ tối về và 6 ngày một tuần, gồm cả ngày nghỉ.
Trang tìm kiếm Zhaopin tiết lộ rằng trong số 10.000 tin tuyển dụng đăng tải thì đa phần đều yêu cầu ứng viên dưới 35 tuổi: Số này gồm cả các công ty lớn như JD. Chuyên trang du lịch Ctrip thậm chí yêu cầu rõ ứng viên từ 20 – 28 tuổi.
Một mẩu tin tuyển dụng gần đây cho vị trí nhân viên lập trình tại startup ở Bắc Kinh giải thích rằng yêu cầu về trình độ giáo dục cũng không quan trọng nhưng tuổi tác thì có, ứng viên phải dưới 30 tuổi. “Làm việc trong ngành công nghệ giống như một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Bạn phải làm việc cực kỳ chăm chỉ từ 20 – 40 tuổi và hy vọng đạt được thứ gì đó lớn lao. Sau đó, là khoảng thời gian chuyển sang làm một thứ gì khác và để ai đó trẻ hơn đảm nhận vị trí của bạn”, Robin Chan – một doanh nhân đầu tư vào nhiều công ty như Xiaomi và Twitter nói.
Sau tuổi 30, Helen nói rằng thật khó để duy trì việc về muộn và ưu tiên của bạn sẽ chuyển từ công việc sang gia đình, làm việc quá giờ trở thành một thứ rất khó khăn. “Trong lĩnh vực nhân lực, tôi thấy rằng 30 tuổi là tuổi bắt đầu cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời”.
Bản thân Helen hiện cũng đang chuẩn bị cho ngày mà cô bị xem là “quá già” cho công việc hiện tại. Cô đang có ý định chuyển sang viết blog và thậm chí là xuất bản sách. Cô khuyên những người khác rằng: “Nếu lo lắng khi già đi sẽ bị mất việc. Phải làm gì để hỗ trợ gia đình và vẫn sống tốt sau đó? Thế thì chúng ta cần phải làm gì đó ngay từ bây giờ”.