Theo dự báo của Vietnamworks, tới năm 2020, nước ta thiếu 400.000 lao động ngành công nghệ thông tin. Mỗi năm, khoảng 50.000 sinh viên ngành này tốt nghiệp.
Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức toạ đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp”.
Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành công nghệ thông tin ở nước ta chiếm 37,5%. Mỗi năm, khoảng 50.000 sinh viên ngành này tốt nghiệp.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là một triệu nhân lực.
Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động ngành công nghệ thông tin; mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), hiện nay, khoảng 27% lao động công nghệ thông tin có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Số còn lại cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Ông Phí Anh Tuấn cho rằng sinh viên học công nghệ thông tin của Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức như tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchai; các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi, đáp ứng phân công lao động toàn cầu; kỹ năng cho start-up còn mới với sinh viên.
Khẳng định hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo công nghệ thông tin phải trở thành nhu cầu tự thân, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phát phát triển đất nước, nhất là trong bối cách cuộc cách mạng 4.0. Khi nền kinh tế chuyển sang số hóa, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. ICT ngày càng có vai trò, tác động lớn.
Bộ trưởng cũng đề cập đổi mới tư duy quản trị đại học trong mỗi nhà trường, giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của doanh nghiệp.
“Công nghệ thông tin rất đặc thù, đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành robot, trong khi sinh viên công nghệ thông tin lại có thể biến robot thành con người, để khi ra trường các em không chỉ có việc làm, mà còn có thể khởi nghiệp, tạo ra việc làm cho người khác. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị đại học – quản trị theo mục tiêu”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.