Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ tiếp tục đổi mới thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, đổi mới này sẽ không gây sốc cho thí sinh và xã hội.
Như báo chí đã đưa tin, năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ đổi mới thi và xét tuyển đại học. Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các Sở GD&ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.
Cách thức ra đề thi cũng dự kiến với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài. Dự kiến bài thi theo định dạng tổng hợp ở kỳ thi THPT sẽ được thiết kế để thi trên giấy.
Về tuyển sinh ĐH: Có hai phương án tuyển sinh ĐH được đưa ra, đó là Bộ GD&ĐT đứng lên tổ chức một kỳ thi chung, các trường có thể tự nguyện tham gia lấy kết quả xét tuyển, nhưng phải sử dụng chung một phần mềm do Bộ quy định để tránh tình trạng ảo như năm 2016. Hoặc các trường đứng ra tự tổ chức một kỳ thi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng luyện thi; thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn để thi như trước đây.
Năm nay, nhiều thí sinh chọn học nghề hơn học đại học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục nghiên cứu đổi mới kỳ thi theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả hơn, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thi, tuyển sinh trong hai năm qua.
Nhìn chung kỳ thi năm 2016 đã được xã hội đánh giá cao về sự thành công trên nhiều mặt. Tuy nhiên công tác tổ chức thi vẫn còn nặng nề, một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương dẫn đến khó khăn, tốn kém; việc tổ chức 2 loại cụm thi khiến nhiều người băn khoăn về sự công bằng, khách quan; thời gian thi kéo dài, chưa ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong các khâu của công tác thi và tuyển sinh.
Theo thứ trưởng Ga, quan điểm tiếp tục đổi mới thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đi liền với tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT; tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí xã hội; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và tuyển sinh.
Đặc biệt, tiếp thu kinh nghiệm thế giới, có lộ trình và bước đi thích hợp, không gây sốc cho thí sinh và xã hội, tiến tới phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững, thực hiện lâu dài.
thứ trưởng Ga cho hay, hiện tại tổ công tác đang hoàn thiện phương án để đưa ra tham khảo ý kiến dư luận rộng rãi trong thời gian tới.
4 yếu tố dẫn tới nhiều thí sinh năm nay không mặn mà với đại học
Phân tích về tình trạng năm nay, nhiều trường đại học không tuyển đủ thí sinh mặc dù nguồn tuyển còn dồi dào, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh. Nếu những năm trước đây khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn.
Thứ hai là ý thức phân luồng của thí sinh ngày nay cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh chỉ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ ba là học phí ngày càng tăng cả các trường công lập lẫn các trường ngoài công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh. Nếu như trước đây khi học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là cứ vào đại học để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn, thí sinh buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư.
Thứ tư là các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước.
Thứ trưởng Ga khẳng định: “Ngoài những tác động của thị trường lao động thì mục tiêu, chương trình đào tạo tại các trường đại học của chúng ta tuy đã có nhiều đổi mới trong những năm qua nhưng vẫn còn chậm. Đào tạo của nhiều trường vẫn còn hướng sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở cơ quan, doanh nghiệp… có sẵn, chưa tập dợt cho sinh viên ý thức nóng bỏng về khởi nghiệp, sáng tạo, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác. Đó là thực tế mà các trường cần tiếp tục đổi mới để thu hút người học”.
Theo Dân trí