TS Nguyễn Đào Tùng cho rằng những thí sinh đạt từ 23 đến 25 điểm có thể gặp rủi ro khi đăng ký xét tuyển đại học. Các em nên tận dụng mọi cơ hội mình có.
Hiện tượng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học từng xảy ra năm 2017, do thí sinh kỳ vọng đỗ vào những ngành “hot” nên chần chừ chờ đợi và không đăng ký thêm những trường khác.
Sát ngày điều chỉnh nguyện vọng vẫn hoang mang chọn ngành
Kể từ ngày 19/9, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng bằng hai phương thức trực tuyến hoặc làm phiếu đăng ký xét tuyển. Sau khi các trường công bố điểm sàn, Nguyễn Việt Trà (Thái Bình) bắt đầu hoang mang về các lựa chọn của mình.
Yêu thích Truyền thông đa phương tiện, Trà kỳ vọng đỗ ngành này của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng đăng ký thêm 2 nguyện vọng khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với số điểm 24, nếu là năm ngoái, nữ sinh đã chắc chắn có một suất học tại những ngôi trường này. Tuy nhiên, thông tin về dự đoán mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 1-2 điểm khiến Trà cảm thấy bất an.
“Ban đầu, em tự nhủ phải kiên định và sẽ không thay đổi nguyện vọng nữa. Nhưng điểm sàn năm nay của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng tăng tới 2 điểm so với năm ngoái nên em lo sợ điểm chuẩn cũng tăng khó ngờ”, Trà nói.
Mấy ngày gần đây, nữ sinh Thái Bình loay hoay tham khảo ý kiến của nhiều người trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trà từng dự tính, trong trường hợp không thể vào được ngành mình yêu thích, em sẽ lựa chọn vào một trường cao đẳng có đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện hoặc chấp nhận thi lại vào năm sau.
Tuy nhiên, bố mẹ ra sức phản đối và khuyên em nên chọn một ngôi trường thấp điểm hơn, vì “không thể được 24 điểm vẫn trượt đại học”. Vì thế, Trà cân nhắc việc sẽ đăng ký thêm nguyện vọng vào một số ngành học có điểm chuẩn thấp.
“Chỉ cần vào được ngôi trường mình yêu thích, em sẽ nỗ lực học thêm chuyên ngành thứ hai mà mình đã định hướng ban đầu”, nữ sinh cho biết.
Tại Nam Định, nữ sinh Phan Quỳnh Hương cũng hàng ngày tìm kiếm thông tin về mức điểm chuẩn dự kiến vào các trường năm nay. Với số điểm 24,5, Hương đặt nguyện vọng 1 ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Ngân hàng. Năm ngoái, ngành này của trường lấy 23 điểm.
Trong khi nhiều bạn cùng lớp đã sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp, Hương vẫn lo lắng về sự lựa chọn của bản thân.
“Giai đoạn đăng ký hồ sơ, do chủ quan nên em không biết trường này có thể sử dụng điểm trung bình học tập của 5 kỳ học tại trường chuyên để xét tuyển.
Nếu xét theo hình thức này, chắc chắn em đã có một suất vào trường vì Học viện Ngân hàng chỉ yêu cầu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt điểm sàn và điểm trung bình cộng 5 kỳ của từng môn học trong tổ hợp xét tuyển từ 7,5”, Hương tiếc nuối.
Trong khi đó, Lê Hải Hà (Hà Nội) đã chắc chắn có một suất học tại Học viện Tài chính nhờ phương thức xét tuyển kết hợp. Tuy nhiên, với số điểm 27,5 khối A00, Hải Hà kỳ vọng đỗ vào ngành Tài chính doanh nghiệp của ĐH Kinh tế Quốc dân.
“Trước đó, em đã nộp vào Học viện Tài chính như một phương án an toàn nhưng em muốn vào ĐH Kinh tế Quốc dân”, Hải Hà nói.
Sát ngày cuối cùng nhập học, bố mẹ sốt sắng giục Hà nên nộp vào Học viện Tài chính để “chắc ăn” hơn, nhưng nữ sinh vẫn quyết định bỏ nhập học tại ngôi trường này và tiếp tục chờ đợi xét điểm thi tốt nghiệp THPT để vào ĐH Kinh tế Quốc dân.
“Đây giống như sự đánh cược. Dù có những rủi ro trượt – đỗ, em vẫn mong mình sẽ được vào ngành mà mình yêu thích”, Hà nói.
Nếu không thận trọng, thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học
Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính, thí sinh cần thận trọng cân nhắc để đưa ra quyết định đúng đắn trong đợt điều chỉnh nguyện vọng cuối cùng này.
“Trước khi điều chỉnh nguyện vọng và sắp xếp lại thứ tự, các em cần vạch ra đâu là ngành mình thực sự mong muốn; ngành nào sẽ phù hợp năng lực và sở trường của bản thân”, TS Tùng nói.
Đối với những thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức khác nhưng không xác nhận nhập học, mà chờ đợi việc xét điểm thi THPT để vào được ngành “hot”, theo TS Tùng, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.
“Hiện tượng này từng xảy ra năm 2017. Nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học do kỳ vọng đỗ những ngành “hot” nên chần chừ chờ đợi và không đăng ký thêm trường khác.
Theo tôi, những thí sinh chắc chắn điểm cao hơn so với mức điểm chuẩn nên chờ đợi. Những em đạt 23-25 điểm vẫn rất rủi ro. Các em có cơ hội nào nên tận dụng cơ hội đó, bởi dù đỗ theo phương thức gì thì khi vào trường, các em vẫn bình đẳng như nhau”, ông Tùng nói.
TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, cũng cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều trường năm nay giảm chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, do đó thí sinh cần cân nhắc kỹ. Nếu không, dù đạt điểm cao, các em không đỗ trường nào.
Ông Hà cũng đưa ra lời khuyên khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên chia thành 3 nhóm: Những ngành mình yêu thích nhất, những ngành dự kiến điểm chuẩn mình có thể đạt được và những ngành có điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình. Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên “rải” nguyện vọng cách đều mục tiêu.
“Giả sử, thí sinh đạt 24 điểm, mong muốn vào ngành Tài chính – Ngân hàng. Các em có thể “rải” thêm một số ngành khác có mức điểm liên tiếp nhau, xoay quanh mức từ 0,5-1 điểm như Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh”, TS Hà gợi ý.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại, cũng đưa ra gợi ý, các thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng căn cứ kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm trúng tuyển của các năm trước và xu hướng điểm năm nay để điều chỉnh cho phù hợp.
“Quy tắc thí sinh luôn luôn phải nắm vững là lượng sức mình để điều chỉnh nguyện vọng sát và trúng với năng lực, tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt đại học. Việc đánh số thứ tự nguyện vọng ưu tiên phải căn cứ vào chính nhu cầu của các em và đảm bảo sự an toàn”, ông Sơn cho hay.
Theo Zing