fbpx
Home Điểm chuẩn Điểm chuẩn 2018 tụt mạnh, trường quân đội giảm gần 9 điểm

Điểm chuẩn 2018 tụt mạnh, trường quân đội giảm gần 9 điểm

0
Điểm chuẩn 2018 tụt mạnh, trường quân đội giảm gần 9 điểm

Đợt xét tuyển đầu tiên có nhiều bất ngờ khi điểm chuẩn trường công an, quân đội giảm mạnh, có ngành giảm gần 9 điểm. Ngành Y – Dược của các trường top đầu giảm 5 đến 6 điểm.

C

hiều ngày 5/8, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GD&ĐT chốt kết quả lọc ảo. Tất cả trường đại học phải công bố điểm trúng tuyển trước 17h ngày 6/8.

Năm nay, điểm chuẩn của phần lớn trường và ngành đều giảm sâu. Đặc biệt là những trường top đầu, sự biến động càng lớn, nhiều ngành giảm từ 3-5 điểm, cá biệt có ngành giảm tới 8-9 điểm.

Không còn thí sinh 30 điểm trượt ngành công an, quân đội

Mức trúng tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự – Bộ Quốc phòng công bố chiều 5/8 giảm sâu so với năm 2017 từ 3-5 điểm. Cá biệt có ngành giảm gần 9 điểm (Học viện Quân y).

Cụ thể, thí sinh nam ở miền Bắc dự thi vào Học viện Quân y, khối A00, có mức trúng tuyển giảm 8,95 điểm so với năm ngoái (điểm trúng tuyển năm nay là 20,05 và năm 2017 là 29). Đây được xem là điểm gây bất ngờ nhất trong đợt xét tuyển này.

Cũng tại học viện này, thí sinh nam ở miền Nam có điểm trúng tuyển giảm 6,65 so với năm ngoái (20,6 năm nay so với 27,25 năm ngoái).

Trong bức tranh xét tuyển năm 2017 của trường công an, điểm trúng tuyển lên đến 30,5 ở khối D01, đối với nữ dự thi ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân dân. Năm nay, điểm chuẩn hạ còn 26,1 điểm.

Ở khối quân sự, hai trường có điểm chuẩn 30 trong năm 2017, năm nay có số điểm tương ứng là 25,1 (Học viện Kỹ thuật Quân sự ) và 26,35 điểm (Học viện Quân y).

Như vậy “nghịch lý 30 điểm trượt đại học” không còn xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm nay.

Khối ngành Y Dược có điểm chuẩn thấp

Năm 2017, khối trường Y – Dược xếp thứ ba về điểm chuẩn cao chót vót sau trường công an, quân đội.

Trong đó, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn đứng đầu là 29,25 với ngành Y đa khoa (tăng 3,25 điểm so với năm 2016). Đây là điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018, ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức trúng tuyển 24,75, giảm 4,5 điểm.

Ngành Răng hàm mặt năm 2017 lấy 28,75 điểm, năm nay còn 24,3 điểm, giảm 4,45 điểm.

Với Khoa Y – Dược ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn cao nhất là 22,75 (ngành Y khoa), giảm 4,5 điểm so với năm 2017. Ngành Răng hàm mặt lấy 21,5 điểm, trong khi năm ngoái là 25,25.

Trước đó, các trường Y – Dược dự báo điểm chuẩn giảm 3-4 điểm. Thực tế cho thấy mức trúng tuyển đã giảm sâu 5-6 điểm.

Lý giải về điểm chuẩn giảm mạnh, ông Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH, ĐH Y Hà Nội – cho hay điểm khối B (Toán, Hóa, Sinh) thấp hơn mặt bằng chung của các khối khác. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT giảm ưu tiên giữa các khu vực từ 0,5 xuống còn 0,25 điểm, mức trúng tuyển cũng sẽ thấp.

Ông Nguyễn Quốc Chính – Phó trưởng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nêu có 2.000 thí sinh khối B đạt trên 24 điểm. Số này trải dài trên cả nước có thể đăng ký vào nhiều trường đào tạo Y Dược hay các ngành khác hoặc du học.

Các ngành “hot” có điểm trúng tuyển ổn định

Năm nay, điểm chuẩn của ĐH Bách khoa Hà Nội dao động từ 20 đến 25,35. Kết quả này cho thấy dự báo điểm trúng tuyển trường công bố ngày 13/7 tương đối sát. Những ngành có điểm chuẩn cao hơn dự kiến tập trung các ngành đào tạo nhóm trên.

PGS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – cho hay các ngành “hot” của trường là Công nghệ Thông tin, Điều khiển Tự động hóa, Cơ – Điện tử… vì liên quan cách mạng công nghiệp 4.0.

ĐH Ngoại thương Hà Nội công bố điểm trúng tuyển chiều 4/8. Theo đó, nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế Quốc tế và Luật (NTH01), nhóm ngành Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Kinh doanh Quốc tế (NTH02), nhóm ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh của cơ sở TP.HCM (NTS01) có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất, tương ứng 24,1; 24,1 và 24,25. Những ngành này đều có truyền thống điểm trúng tuyển cao.

Với ĐH Kinh tế Quốc dân, ngành có điểm chuẩn dẫn đầu là Kinh tế Quốc tế với 24,35 điểm. Kinh doanh Quốc tế có điểm chuẩn cao thứ hai với 24,25.

Trả lời báo chí chiều 5/8, ông Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân – nói ngoài hai ngành “hot” trên, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tuy mới mở, có điểm chuẩn rất cao là 23,85.

Vì sao điểm chuẩn tụt mạnh?

Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên tại Hà Nội – nhận định nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là do đề thi năm nay quá khó, đặc biệt là ở những câu vận dụng và vận dụng cao.

Nếu như năm ngoái cả nước có hơn 4.200 điểm 10, thì năm nay con số này chỉ khoảng hơn 40, giảm tới hơn 100 lần. Đó là chưa kể một số điểm 10 do thí sinh gian lận thi cử ở địa phương đã và sẽ còn điều chỉnh sau công bố.

Cùng với mức 10 điểm, số thí sinh đạt điểm trên 9 ở các môn thi cũng giảm hàng trăm lần.

Trong khi đó, các trường top 2 có mức giảm điểm ít gây sốc hơn so với top đầu. Thậm chí, một số ngành mới phù hợp xu hướng và cơ hội việc làm tốt, mức điểm khá cao hoặc tăng như Logistics, Thương mại Điện tử, Khởi nghiệp…

Nguyên nhân thứ hai góp phần làm điểm chuẩn các trường giảm mạnh, đặc biệt ở top đầu, là Bộ GD&ĐT giảm mức điểm cộng khu vực chỉ còn 1/2 so với trước.

Những năm trước, hầu hết thí sinh đỗ các trường top đầu (Y, Dược, công an, quân đội) thường có điểm cộng khu vực hỗ trợ, khi mức điểm chuẩn các trường này đều ở mức “không tưởng”, từ 28 đến 30. Ví dụ năm 2017, trong số 476 thí sinh đỗ ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội, 452 em có điểm cộng khu vực (trên 95%).

Trong xu hướng lựa chọn ngành nghề, học sinh ở các thành phố lớn thường thiên về kinh tế, dịch vụ, khai thác nhiều thế mạnh về ngoại ngữ, hơn là khối ngành Y, Dược, trường công an, quân đội…. Do đó, sự ảnh hưởng của việc giảm điểm cộng khu vực tới các trường top đầu cũng cao hơn so với trường khác.

Nguyên nhân thứ ba là thiếu các tư vấn, phân tích, hỗ trợ chính xác, tin cậy nên nhiều học sinh đánh giá chưa đúng về mặt bằng điểm chuẩn năm nay. Nhiều thí sinh không hiểu rõ các nguyên tắc ưu tiên xét tuyển nên chưa tối ưu hóa được điểm số của mình trong xét tuyển.

Chính vì thế, rất ít đại học đưa ra dự báo chính thức về mức điểm chuẩn của các nhóm ngành của trường mình, mức điểm sàn tiếp nhận hồ sơ thực tế không có nhiều ý nghĩa. Điều này khiến không ít sĩ tử có mức điểm rất tốt, từ 22-25 (tương đương 26-29,5 của 2017), nhưng không biết vị trí ưu thế của mình, cũng như tương quan tốt so với các bạn.

Nhiều em trong số này chọn đăng ký ngành/trường ở mức điểm chuẩn thấp hơn so với thực tế để “đảm bảo an toàn”, trong khi lẽ ra với điểm số đó có thể đỗ vào những ngành/trường ở mức điểm cao hơn nhiều.

Ngoài ra, một số thí sinh do đánh giá sai vai trò của tiêu chí phụ “thứ tự nguyện vọng” nên cũng không dám “liều” đăng ký các ngành ở mức điểm chuẩn cao.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng ở nguyên nhân thứ ba này, vai trò truyền thông, phân tích, tư vấn, dự báo của các trường và các chuyên gia rất quan trọng. Những trường làm việc có trách nhiệm và thực hiện tốt công tác này sẽ có nhiều cơ hội hơn để tuyển được đúng những thí sinh có năng lực, sở thích, nguyện vọng phù hợp yêu cầu đào tạo của trường và có nhiều lợi thế so với các trường khác trong công tác tuyển sinh.

Giáo viên này lấy ví dụ điển hình về ĐH Bách Khoa Hà Nội, khi nhà trường đã dùng kỹ thuật thống kê và phân tích dữ liệu để đưa ra mức dự báo điểm chuẩn cho các nhóm ngành từ rất sớm. Điểm chuẩn được công bố sau đó cũng rất sát với kỳ vọng của trường.

Theo Zing

Comments

comments