Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 của thí sinh là mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng khi các trường đại học lấy kết quả này để xét tuyển.
Đó là ý kiến của GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên về xét tuyển ĐH năm 2020.
Theo ông Quang, năm nay, ĐH Thái Nguyên xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là chủ yếu. Đồng thời, nhà trường xét tuyển theo kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông (theo học bạ) và xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm Học bạ.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến lại lo lắng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức sẽ không đảm bảo tính khách quan, không công bằng cho các thí sinh nếu các đại học tổ chức xét tuyển bằng phương thức này?
GS.TS Phạm Hồng Quang: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp; việc tổ chức thi giao về các địa phương, Bộ GD&ĐT ra đề thi và chấm phần trắc nghiệm.
Còn việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường tự chủ và trường đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Bộ GD&ĐT giao các trường ĐH tự xét tuyển theo luật.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo tốt các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi và công bố kết quả minh bạch.
Do vậy, kết quả sẽ khách quan, công bằng bởi các yếu tố đề chung, coi thi, chấm thi chung quy chế; trách nhiệm của các cơ quan quản lí như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp chính quyền địa phương được phân định rất rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy và công bằng khi các trường đại học sử dụng kết quả này.
ĐH Thái Nguyên xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ liệu có đảm bảo chất lượng?
Bộ GD-ĐT là đầu mối chỉ đạo, xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước; Bộ GDĐT chịu trách nhiệm khâu ra đề và chỉ đạo chấm trắc nghiệm, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Do vậy, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học; kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó sẽ đảm bảo chất lượng và sự công bằng.
Bởi đánh giá chất lượng giáo dục là đánh giá quá trình, các trường xét tuyển bằng học bạ với nhiều hình thức khác nhau, có trường xét điểm của năm học lớp 12, có trường xét điểm của 2 năm học và cũng có trường xét điểm của cả 3 năm học THPT hoặc xét học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu.
Điều kiện xét tuyển học bạ phải phù hợp với chất lượng đào tạo đầu vào của trường, phù hợp với quy định xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tâm lý học sinh, phụ huynh đang sốc vì bất ngờ, lo lắng liệu có ôn tập kiến thức kịp không? các đại học tuyển sinh ra sao? Thí sinh phải về thành phố dự thi? Là nhà quản lý, nhà sư phạm, ông nghĩ gì về tình trạng này?
Chính phủ đã đồng ý với phương án do Bộ GD&ĐT đề xuất, thống nhất sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; công tác tuyển sinh sẽ do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo tinh thần tự chủ. Điều này phù hợp với Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục (có hiệu lực từ 01/7/2020).
Bộ GD&ĐT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình quy định.
Căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Do vậy, sự thay đổi này rất sát với thực tế hiện nay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, do Bộ GD-ĐT là đầu mối chỉ đạo, xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước; UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Do vậy, các trường đại học hoàn toàn có thể tin vào việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học; kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng.
Để tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội, công bằng trong tuyển sinh và ổn định tâm lý, Đại học Thái Nguyên kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT? Bộ GD&ĐT cần làm gì để giúp các trường tuyển sinh?
Để tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội, công bằng trong tuyển sinh và ổn định tâm lý, Đại học Thái Nguyên kiến nghị: Bộ GD&ĐT sớm xây dựng và công bố đề thi minh hoạ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Sớm ban hành văn bản quy định về tuyển sinh đại học năm 2020 để đảm bảo các trường chủ động thông báo cho thí sinh, đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ hệ thống về thời gian, hình thức, quy chế giám sát, kiểm tra; chỉ đạo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các trường thuộc khối sức khỏe, sư phạm để các trường có phương án tuyển sinh.
Đặc biệt là hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, “lọc ảo” như các năm trước…
Trân trọng cám ơn ông!
Theo Dantri