Bộ trưởng Bộ GD Phùng Xuân Nhạ đã có chia sẻ về định hướng đề thi năm 2019. Theo đó đề thi sẽ không phục vụ mục tiêu 2 trong 1.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm tới, đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi “2 trong 1” mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Khó biên soạn đề thi với mục tiêu “2 trong 1” Báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định: so với cách thức tổ chức thi trước đây, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã tạo được khá nhiều thuận lợi cho người thi và gia đình. Đề thi đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt kỳ thi THPT ở quy mô toàn quốc và khi kết quả Kỳ thi phục vụ đồng thời hai mục tiêu là tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, Ủy ban VHGD TNTN & NĐ cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa. Cụ thể: Việc gộp 2 kỳ thi (thi THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ) thành kỳ thi THPT quốc gia là một chủ trương lớn, cần tổng kết, luật hóa để có căn cứ pháp lý rõ ràng vì Luật giáo dục hiện hành chỉ quy định về kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp THPT. Chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu vẫn chưa được khẳng định, gây khó khăn cho khâu xây dựng đề thi chuẩn hóa, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. Phương thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm nhưng khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh, chứa đựng yếu tố may rủi nên cần nghiên cứu khi áp dụng với một số môn học, nhất là môn toán trong điều kiện việc biên soạn đề chưa đáp ứng chuẩn mực chung. Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan khó đảm bảo, khi ngân hàng câu hỏi đề thi chủ yếu dựa trên nguồn cung cấp hệ thống đề mẫu từ các địa phương, chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Đối với môn thi tổ hợp, thực tế chỉ thi 3 môn trong một buổi, chưa là các đề thi tổ hợp kiến thức. Điều này tạo áp lực đối với các thí sinh, một buổi thi 3 môn, mỗi môn 50 phút và chỉ nghỉ 10 phút giữa 2 môn. Việc xác định 2 mục tiêu đồng thời cho kỳ thi THPT QG gồm xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là không dễ khi xây dựng đề thi; mặt khác từ yêu cầu này, dẫn tới cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu xét thi xét tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ khó có thể đạt điểm thi THPT cao. Ủy ban VHGD TNTN & NĐ đề nghị, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH,CĐ; công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT để xã hội biết. Bên cạnh đó, Bộ cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, đảm bảo chất lượng đề thi. Ban hành quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Nghiên cứu hoàn thiện các bài thi tổ hợp, đảm bảo kiến thức tổng hợp và khoa học. Đặc biệt, theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp gồm: cộng điểm trung bình thi THPT QG và điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2; cách tính tạo ra nghịch lý: điểm thi THPTQG thấp, nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao. Điều này đang được dư luận đặt ra câu hỏi: Điểm học bạ hay điểm thi THPT sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông?; nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học? Đề thi sẽ đánh giá đúng kết quả học tập THPT Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua sự tham khảo, học hỏi nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều hướng đổi mới đối với kì thi năm tới. Điều quan trọng không chỉ là một kì thi để công nhận xét tốt nghiệp, thông qua kì thi, chúng ta có cái nhìn đúng về nội dung, phương pháp chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông giúp những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời sẽ đảm bảo được chất lượng đồng đều trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Nhạ cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm vừa qua vẫn đạt kết quả cao, lí do là chúng ta vẫn dùng cách tính điểm cũ kết hợp với xét tuyển điểm học bạ. Nhưng sẽ từng bước tiến tới điểm công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ. Chú trọng hơn trong triển khai thi, lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ. Như vậy ý nghĩa kì thi sẽ cao hơn, hướng tới giá trị thực chất, tránh được những tiêu cực quá lớn như kì thi vừa rồi. Chất lượng của đề thi tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường số lượng câu hỏi chuẩn hoá, mức độ cân đối của đề thi, bám sát với chuẩn kiến thức trong bậc THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường. Do đó, yêu cầu phải gắn với lượng kiến thức bậc phổ thông, đảm bảo phản ánh đúng thực chất kết quả việc dạy và học của các trường, các địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch. Theo Bộ trưởng Nhạ, trong kì thi THPT quốc gia, nếu chúng ta không tổ chức quản lí chặt về mặt chất lượng thì bệnh thành tích sẽ kéo dài. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT vẫn bảo lưu quan điểm duy trì kì thi THPT quốc gia nhưng cải thiện, chú trọng yêu cầu về mặt lượng kiến thức thực sự được tiếp thu của học sinh trong bậc học THPT. Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đổi mới kì thi THPT QG là cả một quá trình cải tiến, không phải mỗi năm một kiểu thi khác nhau. 3 năm gần đây, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể. Ví dụ: năm học 2016 – 2017 điểm ưu tiên giữa các thí sinh chưa được hợp lí, thí sinh 30 điểm vẫn không vào ĐH hoặc đề thi quá dễ nhiều người có thể làm được; đến năm 2017 – 2018 những điều đó đã được rút kinh nghiệm và thay đổi. “Cho nên tới đây, cách tiếp cận của đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi “2 trong 1“, mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Thực hiện tốt được kì thi này, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ tốt lên” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. |