Theo nhận định của một số chuyên gia giáo dục, đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 dễ, thuận lợi cho thí sinh, “khoanh vùng” kiến thức đã tinh giản. Tuy nhiên, mức độ phân hóa chưa cao.
Câu khó tập trung vào học kì I lớp 12
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, đề thi nhẹ nhàng, nhìn chung dễ hơn so với mọi năm.
Đề thi đã “khoanh vùng” để loại bỏ một số kiến thức đã tinh giản trước đó. Điều này rất phù hợp trong tình hình thực tiễn thí sinh đã nghỉ học quá dài ngày để chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do mức độ khó của đề thi tham khảo vừa phải, sự phân hoá chưa cao bằng mọi năm nên nếu đề thi thật cũng có mức độ như thế này thì các trường ĐH, CĐ top trên sẽ khó chọn lựa được thí sinh như mong muốn.
Chuyên gia luyện thi Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho biết, năm học 2019-2020 chịu tác động lớn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Suốt từ Tết Nguyên đán đến nay, học sinh không có cơ hội đến trường. Thay vào đó, các em phải học tập bằng các giải pháp thay thế như học trên truyền hình và qua internet.
“Bộ đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố ngay sau khi công bố chương trình tinh giản là nguồn học liệu quan trọng để nhà trường, giáo viên và học sinh xây dựng kế hoạch học tập cũng như ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia”, ông Ngọc cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, nhìn tổng thể, cấu trúc đề thi tham khảo tương đồng với đề thi chính thức của năm 2018 và năm 2019.
Trong đó, kiến thức lớp lớp 12 chiếm khoảng 90%. Khoảng 10% còn lại tập trung vào phần kiến thức lớp 11.
Một sự khác biệt rõ ràng mà chuyên gia này chỉ ra: Phần lớn câu hỏi của đề thi tham khảo nằm trong nhóm vận dụng hoặc vận dụng cao. Hay nói cách khác, các câu khó của đề thi, tập trung phần lớn vào kiến thức của học kì 1 năm lớp 12.
Còn kiến thức của học kì 2 được kiểm tra khá nhẹ nhàng và cơ bản. Một số nội dung đã được lược bỏ và tinh giản không đưa vào đề thi như khẳng định của Bộ GD&ĐT.
Phân hóa chưa cao
Cũng theo ông Vũ Khắc Ngọc, so với năm 2018 và 2019, mức độ phân hoá của đề thi tham khảo năm nay nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, vẫn có thể đảm bảo được hai mục tiêu: Giúp học sinh đỗ tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
“Mặc dù đề thi nhẹ nhàng hơn nhưng không đơn giản để các em đạt được điểm cao bởi việc học tập thay thế online vẫn còn trở ngại nhất định. Ở các địa phương các em vẫn gặp khó khăn khi tiếp thu và làm chủ kiến thức.
Do đó tôi cho rằng, việc điều chỉnh độ phân hoá trong đề thi hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của năm học này”, chuyên gia này nói.
Cũng với góc nhìn tương tự, ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách Khoa, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội nhận định, đề thi tham khảo năm 2020 có hai điểm khác biệt so với năm ngoái.
Thứ nhất, đề không xuất hiện phần kiến thức đã tinh giản. Thứ hai, số câu hỏi dễ và trung bình tăng lên, số câu khó giảm, đặc biệt giảm ở các câu hỏi rất khó, đòi hỏi mức độ vận dụng cao.
Với đề thi này, theo ông Đạt, phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng sẽ khó phân loại thí sinh. Vì vậy, sẽ khó cho các trường đại học tốp trên trong việc xét tuyển.
Theo Dantri