Với sự thay đổi cấu trúc đề thi môn lịch sử vài năm gần đây, những học sinh lựa chọn lịch sử là môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ giảm bớt áp lực khi ôn tập.
Từ năm 2014, đề thi môn lịch sử đã có sự thay đổi đáng kể, không còn ra theo hướng buộc học sinh phải nhớ nội dung kiến thức như trước đây. Các câu hỏi trong đề chủ yếu là câu hỏi mở, câu hỏi mang tính vận dụng theo dạng so sánh, đánh giá, liên hệ thực tế… Các dữ kiện cũng đã có sẵn trong nội dung câu hỏi nên học sinh không còn phải “ôm” sách học thuộc như trước đây mà chỉ cần rút ra nhận xét, nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử từ các sự kiện này. Các câu hỏi buộc phải nhớ nội dung kiến thức thường chỉ chiếm 2-3 điểm trong đề thi. Riêng với các câu liên hệ vận dụng kiến thức, đề thi thường xoay quanh các vấn đề mang tính thời sự như biển Đông, các nước ASEAN…
Tuy nhiên, để làm tốt bài thi, học sinh cần phải nắm vững nội dung kiến thức môn lịch sử trong sách giáo khoa (SGK) lớp 12. Dù không cần phải học chi tiết các sự kiện nhưng nên được ý chính, ý cơ bản để làm tốt bài thi. Để việc ôn tập trở nên dễ dàng, các hãy học theo từng chủ đề, chuyên đề, lập bảng so sánh để dễ hình dung và tránh sự nhầm lẫn. Ví dụ: học các kỳ Đại hội Đảng theo từng giai đoạn cần lập bảng nêu ra nhiệm vụ, nhận xét, điểm giống và khác nhau, ưu và nhược điểm của các kỳ đại hội. Học các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ nên lập bảng so sánh âm mưu, quy mô, tính chất, kết quả… Vì đề thi những năm gần đây thường mang tính tư duy nên những học sinh gặp khó khăn trong vấn đề tư duy cần chịu khó nghe giảng trên lớp, ghi lại những ý mà mình thấy tâm đắc, khi học không nên học dồn ép mà phải học từ từ. Khi ôn tập nên chọn nơi yên tĩnh và đọc kỹ nội dung bài học từ 2-3 lần để hiểu rồi mới học. Trước khi đi ngủ, điểm lại nội dung kiến thức đã ôn tập được trong ngày hôm đó. Đây là một trong những cách để nhớ kiến thức lâu hơn.
Học sinh cần phải nắm vững nội dung kiến thức môn lịch sử trong sách giáo khoa (SGK) lớp 12
Ngoài ra, khi ôn tập, cũng nên lập cho mình kế hoạch học phù hợp theo từng ngày, từng tuần cụ thể. Thay vì nhồi nhét quá nhiều nội dung trong cùng một thời gian, thì nên có sự phân chia nội dung, thời gian học phù hợp cho từng môn. Khi học không nên sử dụng các loại đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê, nước ngọt mà thay vào đó sử dụng các loại nước trái cây, sữa hoặc các món ăn vặt nhẹ nhàng mình ưa thích trong lúc căng thẳng, mệt mỏi.
Một trong những lỗi mà nhiều thí sinh hay gặp phải khi làm bài thi môn lịch sử là viết không đủ ý: ý cần triển khai thì viết rất hời hợt trong khi ý phụ lại viết dàn trải. Để khắc phục tình trạng này, cần phải đọc kỹ đề thi, gạch chân dưới những từ khóa quan trọng trong đề, đồng thời dành ra vài phút để lập dàn ý cho mỗi câu hỏi. Thật ra, khi lập xong dàn ý, việc triển khai các ý vào bài làm sẽ không làm mất nhiều thời gian của thí sinh, ngược lại còn làm cho bài thi sạch sẽ, gọn gàng, không bị sót ý. Khi làm xong câu nào nên có câu chốt lại vấn đề để bài thi có tính logic, dễ tạo thiện cảm cho người chấm.
Nguồn giaoduc.edu.vn