Nhu cầu nhân lực của các ngành nghề luôn có sự biến động theo sự phát triển của xã hội. Vậy tại thời điểm hiện tại đâu là ngành học “hot” và dễ xin việc nhất.
Ngành Khoa học Vật liệu:
Khoa học vật liệu trong đó có khoa học và công nghệ nano được xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước. Chính vì vậy đây sẽ là một trong số những ngành nghề thu hút đông đảo nguồn nhân lực tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Sinh viên theo học ngành Khoa học vật liệu sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn), các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser… những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.
Cử ngành ngành này có cơ hội được làm việc tại các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học. Những sinh viên có đủ năng lực còn có cơ hội được được đào tạo và làm việc tại nước ngoài.
Ngành Kinh tế – Quản trị – Xuất Nhập khẩu – Logistics
Đây là nhóm ngành chưa bao giờ “nguội” bởi nó luôn kéo theo sự phát triển không ngừng của xã hội. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 25%.
Sinh viên theo học ngành này sau khi ra trường sẽ có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiệm vụ quản trị chiến lược kinh doanh, hoạch định chính sách vận tải, thiết kế chuỗi vận tải hiệu quả, thực hiện nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương:
Trước nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực và nghiên cứu ngành khí tượng, thủy văn, hải dương luôn có những cơ hội việc làm hết sức hấp dẫn. Đặc biệt khi cả thế giới đang đứng trước nguy cơ và tìm giải pháp cho vấn đề Biến đổi khí hậu.
Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, toán học, vật lý và tin học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng lập trình, xử lý tính toán trên máy tính. Ngoài ra sinh viên được tham quan, thực tập thực tế tại nhiều viện, cơ sở nghiên cứu, triển khai trong đất liền, hải đảo, trên biển.
Cử nhân ngành này có thể tham gia làm việc tại các Cơ quan trung ương và địa phương, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Cao không Trung ương, Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, Các Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực), Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, các Trường Đại học và Cao đẳng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Quy hoạch thủy lợi…
Ngành truyền thông đa phương tiện
Xã hội càng phát triển nhu cầu thông tin của con người ngày càng cao và kéo theo đó là sự bùng nổ của ngành truyền thông đa phương tiện. Các chuyên gia nhận định, sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng đã tạo xu hướng mới của lĩnh vực báo chí truyền thông.
Trong khi đó nguồn nhân lực của ngành này hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội một phần cũng bởi chưa có nhiều trường đại học đào tạo ngành báo chí truyền thông. Vì vậy, nguồn nhân lực này được xem là dễ tìm kiếm việc làm trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Bên cạnh đó còn có các ngành nhưTâm lý học, Du lịch – nhà hàng – khách sạn, Cơ khí – Điện – Điện tử, Thiết kế đồ họa, Khúc xạ nhãn khoa….cũng là những ngành nghề “đắt giá” và dễ xin việc nhất hiện nay.