Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT năm 2016, đề thi THPT Quốc gia sẽ tăng cường độ khó với nhiều câu hỏi mở, câu hỏi ngắn đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức thực hành, thực nghiệm tránh lối học tủ, học thuộc lòng trước đây.
Nhiều giáo viên cũng đề nghị Bộ nên tăng cường độ khó trong các đề thi để có thể phân loại thí sinh khá, giỏi một các rõ nét hơn. Nhiều người đánh giá, đề thi năm 2015 có độ phân hóa tốt đối với thí sinh trung bình và khá, tuy nhiên những câu hỏi để đạt điểm 9, điểm 10 lại quá dễ khiến thí sinh có học lực giỏi bị thiệt thòi.
Để thí sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về độ phân hóa trong đề thi THPT Quốc gia, Bộ GD&ĐT đã có thống kê về phổ điểm các môn thi năm 2015. Theo số liệu ghi nhận được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 của khối học sinh trung học phổ thông đạt 93,42%, khối giáo dục thường xuyên đạt 70,08%. Tỷ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì là 84% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.
Đối với các thí sinh dùng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển sinh ĐH – CĐ thì phổ điểm cụ thể như sau:
Môn Toán nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất
Môn Toán là môn có nhiều thí sinh dự thi nhất tại các cụm đại học, nhưng có đến hơn 15.000 em bị điểm liệt. Điểm liệt là 1 điểm. Trong khi đó chỉ có 85 em đạt điểm 10 tuyệt đối. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi môn Toán năm 2015 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Đề thi không phân hóa được thí sinh khá giỏi. Quá dễ cho các em học lực khá đạt được điểm 8 – 9.
Theo đánh giá chung thì đề thi môn Toán năm 2016 chắc chắn sẽ phải tăng cường độ khó từ câu hỏi 8 điểm nhằm giúp các trường đại học phân loại được đâu là những học sinh ưu tú nhất. Các học sinh cũng cần lưu ý tránh chủ quan khi làm bài thi để không bị điểm liệt.
Môn Văn chất lượng thí sinh chỉ ở mức trung bình
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, kết quả bài thi môn Văn cho thấy thực lực của các thí sinh không cao, mức điểm chỉ làng nhàng 4,5 – 6,5 điểm. Điều này cho thấy kỹ năng viết bài, tư duy phân tích, hiểu biết xã hội, kiến thức thường thức của mặt bằng chung các thí sinh còn nhiều yếu kém.
Năm 2015, chỉ có 11 em đạt 9,5 và 7 em đạt 9,75 điểm, không có em nào đạt điểm 10. Các chuyên gia cho rằng đề thi môn văn nên bám sát thực tế hơn nữa và việc ôn thi, giảng dạy bộ môn này tại các trường cũng nên thay đổi để phù hợp hơn với cách thức ra đề mở của Bộ, tránh tình trạng học văn mẫu, học tủ mà thiếu đi kỹ năng phân tích và hiểu biết về xã hội.
Bài thi Hóa dễ đạt điểm cao
Theo đánh giá đề thi môn hóa bám rất sát nội dung sách giáo khoa, chỉ cần nắm vững lý thuyết là thí sinh thoát điểm liệt. Đề thi có một số bẫy ngầm, nhưng không quá khó nên học sinh dễ dàng đạt điểm trên trung bình. Năm 2015, lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Hóa cũng cao nhất trong số các môn thi khác, tổng số được 130 em đạt điểm 10, 340 em đạt điểm 9,75 và gần 1.850 em đạt điểm 9,5. Một con số rất cao. Đây có thể xem là bài thi gỡ điểm cho các thí sinh thi khối A hoặc B.
Đề Vật lý yêu cầu thí sinh hiểu rõ bản chất
Năm 2015 đề thi môn Vật lý được đánh giá là khá khó nhằn, với câu hỏi về điện mang tính chất phân loại triệt để chất lượng thí sinh. Để đạt điểm cao thí sinh cần hiểu bản chất của các hiện tượng vật lý cộng thêm kỹ năng phân tích đề bài tốt mới có thể tìm ra được đáp án đúng.
Theo thống kê kết quả thi tại các cụm thi Đại học năm 2015 chỉ có duy nhất 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi này. Trong khi đó tổng số thí sinh đạt trên điểm 9 vào khoảng hơn 2.000 em. Điều này cho thấy bài thi không chỉ phân loại thí sinh yếu – trung bình – khá, mà ngay cả các em giói với xuất sắc cũng có sự phân chia rõ nét.
Đề tiếng Anh thí sinh e dè phần thi viết
Năm 2016 Bộ vẫn chỉ đạo thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm chiếm 80% và thi viết chiếm 20%. Đề thi năm 2015 bao gồm 64 câu hỏi trắc nghiệm và 2 câu hỏi tự luận. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi quá dài và khó không phù hợp với mặt bằng chung của các thí sinh. Hầu hết các thí sinh đại trà chỉ kịp tập trung làm phần thi trắc nghiệm, không còn thời gian để viết luận.
Đề thi cũng có quá nhiều từ mới và cấu trúc khó không phù hợp với điều kiện học tập môn ngoại ngữ của các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa hoặc học tại tỉnh lẻ. Lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình bài thi này chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, Bộ cần cân nhắc giảm độ khó của đề thi để những học sinh đại trà không gặp khó khăn trong việc xét tốt nghiệp.
Đề Sinh, Sử, Địa không nên quá dài, cần tăng lượng câu hỏi mở
Theo thống kê, lượng thí sinh đăng ký 3 môn thi tự chọn này thấp hơn nhiều so với 5 môn thi kể trên. Nhất là môn Sử rất ít thí sinh mặn mà với bộ môn này. Đề thi 3 môn này năm 2015 được Bộ GD&ĐT thực hiện theo cách ra đề mở với những câu hỏi mang tính thực hành với môn Sinh học, các câu hỏi gắn với sự kiện thực tế đối với môn Sử và câu hỏi mang tính thường thức với số liệu cụ thể trong bài thi môn Địa.
Đề thi được đánh giá là giảm bớt tính sách vở tránh việc thí sinh phải học thuộc lòng quá nhiều. Các thí sinh nếu chịu khó nắm bắt những kiến thức thường thức, các sự kiện thời sự, văn hóa xã hội cộng thêm việc được rèn luyện về kỹ năng phân tích thì hoàn toàn có thể vượt qua 3 bài thi này với điểm số khả quan.