fbpx
Home Tin tuyển sinh Đại học Huế công bố phương án tuyển sinh năm 2018

Đại học Huế công bố phương án tuyển sinh năm 2018

0
Thông tin tuyển sinh năm 2018 trường đại học Huế đã được công bố. Theo đó, trường tuyển 12.290 chỉ tiêu cho 118 ngành đào tạo đại học, giảm 198 chỉ tiêu so với năm trước.

Đại học Huế có 08 trường đại học thành viên, 02 khoa trực thuộc, 01 Phân hiệu là: Trường Đại học Luật (DHA), Trường Đại học Khoa học (DHT), Trường Đại học Kinh tế (DHK), Trường Đại học Nghệ thuật (DHN), Trường Đại học Ngoại ngữ (DHF), Trường Đại học Nông Lâm (DHL), Trường Đại học Sư phạm (DHS), Trường Đại học Y Dược (DHY), Khoa Du lịch (DHD), Khoa Giáo dục Thể chất (DHC) và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị (DHQ). Đại học Huế thành lập một Hội đồng tuyển sinh chung để tuyển sinh cho tất cả các trường thành viên, các khoa trực thuộc và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

– Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2018 do Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) Đại học Huế quy định, HĐTS quyết định điểm trúng tuyển theo ngành học/nhóm ngành, không phân biệt tổ hợp môn xét tuyển;

– Đại học Huế không sử dụng kết quả miễn thi môn Ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để tuyển sinh;

– Điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu sau khi đã trừ số chỉ tiêu tuyển thẳng và dự bị đại học được giao về Đại học Huế;

–      Điểm tối thiểu để được xét tuyển vào các ngành thuộc các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị sẽ được HĐTS Đại học Huế công bố sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2018.

1.  Vùng tuyển sinh: Đại học Huế tuyển sinh trong cả nước.

2.  Đối tượng tuyển sinh: Theo quy định tại Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.  Chỉ tiêu (dự kiến):

–      Tổng chỉ tiêu:Năm 2018, Đại học Huế tuyển sinh 12.290 chỉ tiêu cho 118 ngành đào tạo đại học, giảm 198 chỉ tiêu so với năm 2017 (năm 2017: 12.488 chỉ tiêu/114 ngành).

– Các ngành mở mới:  Năm 2018, Đại học Huế tuyển sinh thêm 03 ngành mới gồm ngành Quản trị khách sạn, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của Khoa Du lịch; ngành Kinh tế xây dựng của Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và đang hoàn thiện hồ sơ mở mới 1 số ngành tại Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế sẽ có thông báo bổ sung trước khi xét thí sinh nộp hồ sơ vào ĐHH năm 2018).

–      Các ngành dừng đào tạo: Năm 2018 Đại học Huế dừng tuyển sinh 02 ngành đào tạo đại học: ngành Đồ họa của Trường Đại học Nghệ thuật, ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp của Trường Đại học Sư phạm và tất cả các ngành đào tạo trình độ cao đẳng của Trường Đại học Nông Lâm.

4. Phương thức tuyển sinh: Đại học Huế tuyển sinh theo 03 phương thức:

– Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia: Áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo của các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

– Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu: Áp dụng đối với các ngành năng khiếu của Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất.

– Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT: Áp dụng cho Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị (60% chỉ tiêu ngành) và một số ngành đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm (16/22 ngành), xem chi tiết đề án tuyển sinh 2018 của Đại học Huế.

Chú ý: Kết quả học tập ở cấp THPT chỉ lấy kết quả năm học lớp 12 và điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) các môn trong tổ hợp xét tuyển phải >= 6.0 (theo thang điểm 10).

5. Xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn)

Theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018 các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho đơn vị mình. Đại học Huế sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng sau khi có hồ sơ xét tuyển chung vào ĐHH, các qui định và khung thời gian công bố chung do Bộ GD và ĐT qui định thống nhất trên toàn quốc.

6. Tổ hợp môn xét tuyển mới:

Năm 2018, để tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, các trường đại học thành viên thay đổi và bổ sung thêm tổ hợp môn xét tuyển, cụ thể: Trường Đại học Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học… (xem chi tiết ở đề án tuyển sinh). Các trường vẫn đảm bảo theo Quy chế tuyển sinh hiện hành: sử dụng kết quả của 3 bài thi/ môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 bài thi Toán hoặc Ngữ văn để xét tuyển, không sử dụng quá 04 tổ hợp môn xét tuyển cho một ngành.

7. Đối với các ngành tuyển sinh năng khiếu

7.1. Ngành Kiến trúc của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

– Phương thức xét tuyển: Dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 kết hợp với thi tuyển năng khiếu.

– Nội dung thi năng khiếu:Vẽ Mỹ thuật (Vẽ Tĩnh vật) hệ số 1.5, điều kiện xét tuyển là điểm môn Vẽ Mỹ thuật chưa nhân hệ số phải >=5.0.

– Ngoài các môn thi văn hóa, thí sinh phải thi môn Vẽ Mỹ thuật do Đại học Huế tổ chức theo quy định hoặc sử dụng kết quả thi môn năng khiếu của Hội đồng tuyển sinh các trường: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cấp để đăng ký xét tuyển.

7.2 Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế

– Phương thức xét tuyển: Dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu.

– Các môn năng khiếu(Tượng Tròn, Phù điêu hoặc Hình họa, Trang trí) thời gian thi giảm từ 09 tiếng đồng hồ xuống còn 04 tiếng (không thi vẽ mẫu người).

– Điểm năng khiếu hệ số 1 và điều kiện xét tuyển là điểm các môn năng khiếu >=5.0.

– Ngoài môn thi văn hóa, thí sinh phải thi các môn năng khiếu (Hình họa,Trang trí hoặc Tượng tròn, Phù điêu) do Đại học Huế tổ chức theo quy định hoặc sử dụng kết quả các môn thi năng khiếu là Hình Họa, Trang trí hoặc Hình họa, Bố cục hoặc Tượng tròn, Phù điêu do Hội đồng tuyển sinh các trường đại học trên toàn quốc cấp để đăng ký xét tuyển.

7.3. Khoa Giáo dục Thể chất, Đại học Huế

– Phương thức xét tuyển: Dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu.

– Các môn năng khiếu của Khoa Giáo dục Thể chất từ 03 nội dung giảm còn 02 nội dung: Bật xa tại chỗ (hệ số 0.4); Chạy 100m (hệ số 0.6).

– Điểm năng khiếu hệ số 1, điều kiện xét tuyển là điểm môn năng khiếu phải >=5.0.

– Ngoài các môn thi văn hóa, thí sinh phải thi các môn năng khiếu do Đại học Huế tổ chức theo quy định hoặc sử dụng kết quả môn thi năng khiếu (Bật xa tại chỗ; Chạy 100m) do Hội đồng tuyển sinh các trường đại học công lập trên toàn quốc cấp để đăng ký xét tuyển.

– Thí sinh phải đạt yêu cầu về kiểm tra thể hình theo quy định mới được dự thi các môn năng khiếu (Thí sinh có thể hình cân đối, không dị hình, dị tật, nam cao 1,65m và nặng 45kg trở lên; nữ cao 1,55m và nặng 40kg trở lên).

FChú ý:  Thí sinh bị điểm 0 (không) môn năng khiếu nếu bỏ thi ít nhất một trong ba nội dung trên.

7.4. Lịch thi các môn năng khiếu:

Thời gian tổ chức thi các môn năng khiếu của Trường Đại học Nghệ thuật (H), Khoa Giáo dục Thể chất (T), ngành Kiến trúc của Trường Đại học Khoa học (V), ngành Giáo dục mầm non của Trường Đại học Sư phạm (M) dự kiến sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018  là hai ngày.

8. Chính sách ưu tiên

– Các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế hiện hành;

– Hội đồng tuyển sinh xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học năm 2018 với chỉ tiêu và tiêu chí cụ thể như sau:

+ Ngành Y đa khoa: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 20 thí sinh;

+ Các ngành còn lại tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành.

–      Đối với các ngành đào tạo của Trường Đại học Y Dược, Hội đồng tuyển sinh lấy hết chỉ tiêu tuyển thẳng theo thứ tự ưu tiên:

+ Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành đào tạo của Trường;

+ Đối với thí sinh đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được xét tuyển thẳng vào các ngành: Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

+ Đối với thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được xét tuyển thẳng vào các ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng.

9. Các vấn đề khác:

– Điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế là xếp loại hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11 và 12 phải đạt từ loại khá trở lên (căn cứ theo học bạ THPT). Những ngành có quy định môn chính thì môn chính có hệ số 2 và điều kiện xét tuyển là điểm môn chính chưa nhân hệ số phải >=5.0.

– Đối với các ngành Ngôn ngữ Anh (đào tạo tại Trường ĐH Ngoại ngữ và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị), Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ thì điểm môn Tiếng Anh >=5.0. Điểm trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh học tại Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị thấp hơn điểm trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế 0,5 điểm và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2018 (điểm sàn) quy định.

– Tiêu chí phụ khi xét tuyển vào các ngành đào tạo thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ: Nếu nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ sử dụng điểm môn ưu tiên để xét tuyển nhằm đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu quy định;

– Tiêu chí phụ khi xét tuyển vào các ngành đào tạo thuộc Trường Đại học Y Dược: Nếu nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ sử dụng thứ tự môn ưu tiên để xét tuyển nhằm đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu quy định.

+ Ngành Dược học: Thứ tự môn ưu tiên là Toán, tiếp đến là môn Hóa học.

+ Các ngành còn lại: Thứ tự môn ưu tiên là Sinh học, tiếp đến là môn Hóa học.

–   Các ngành đào tạo của các đơn vị đưa ra đào tạo tại Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị (Phân hiệu), hiện nay có 04 ngành:

+ Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế): 50 chỉ tiêu, đào tạo tại Phân hiệu 02 năm và tại Trường ĐH Kinh tế 02 năm.

+ Ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ): 50 chỉ tiêu, đào tạo tại Phân hiệu 02 năm và tại Trường ĐH Ngoại ngữ 02 năm.

+ Thiết kế đồ họa (Trường ĐH Nghệ thuật): 10 chỉ tiêu, đào tạo tại Phân hiệu 02 năm và tại Trường ĐH Nghệ thuật 03 năm.

+ Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học): 50 chỉ tiêu, đào tạo tại Phân hiệu 02 năm và tại Trường ĐH Khoa học 02 năm.

– Các trường tuyển sinh theo nhóm ngành (Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm): Thí sinh trúng tuyển theo nhóm ngành, sau khi học chung năm thứ nhất, sinh viên được xét vào học một trong những ngành đào tạo thuộc nhóm ngành quy định, căn cứ vào nguyện vọng đã đăng ký trong hồ sơ xét tuyển và kết quả học tập của thí sinh.

– Trường Đại học Kinh tế tuyển sinh 05 ngành đào tạo chất lượng cao, cụ thể: ngành Kinh tế, ngành Kiểm toán, ngành Hệ thống thông tin quản lý, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Tài chính – Ngân hàng.

+ Chương trình đào tạo: được xây dựng và phát triển dựa trên chương trình đào tạo ngành tương ứng của các trường đại học tiên tiến nước ngoài;

+ Giảng viên: Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy bao gồm giảng viên có trình độ cao của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, giảng viên thỉnh giảng nước ngoài;

+ Được tiếp cận thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp và được giảng viên thỉnh giảng từ các đơn vị đó trực tiếp giảng dạy;

+ Ngôn ngữ giảng dạy: Tiếng Việt và Tiếng Anh. Hơn 30% các học phần được giảng dạy bằng Tiếng Anh;

+ Cơ hội học tập nước ngoài: Sinh viên học chương trình chất lượng cao có cơ hội được học trao đổi (từ 1 học kỳ đến 1 năm), thực tập ngắn hạn ở nước ngoài theo các chương trình trao đổi sinh viên giữa nhà trường và các đối tác nước ngoài.

 

Comments

comments