Với phương án tuyển sinh dự kiến Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa công bố, điểm chuẩn ngành y đa khoa dành cho thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM có thể thấp hơn thí sinh các địa phương khác.
Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tuyển 800 chỉ tiêu ngành y đa khoa. Trong đó 50% chỉ tiêu dành riêng cho thí sinh TP.HCM và 50% còn lại là thí sinh toàn quốc. Trên cơ sở đó trường sẽ có 2 mức điểm chuẩn với ngành này: 1 mức dành riêng cho thí sinh có hộ khẩu TP.HCM và 1 mức cho thí sinh các địa phương khác.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết có khả năng điểm chuẩn dành cho thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM sẽ thấp hơn điểm chuẩn cho thí sinh các địa phương khác.
Lý giải điều này, thạc sĩ Hà nói việc này phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp trên tổng chỉ tiêu. Như năm ngoái, trong số 850 chỉ tiêu ngành y đa khoa chỉ có 1/3 thí sinh của TP.HCM. Dù chiếm 50% chỉ tiêu nhưng số lượng thí sinh đăng ký chỉ chiếm 1/3 thì điểm chuẩn sẽ có khả năng thấp hơn số còn lại.
“Tuy nhiên, đây không phải chủ trương của trường mà chỉ là sự dự đoán. Căn cứ trên thực tế số lượng thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh trường sẽ xác định mức điểm trúng tuyển cụ thể”, thạc sĩ Hà nói.
Về việc phân tách chỉ tiêu riêng, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà cho biết điều này trường đã xin ý kiến UBND TP.HCM. Trường là đơn vị đào tạo nhân lực chủ lực về y tế cho thành phố. Theo nhu cầu nhân lực sắp tới, trường chỉ có thể đáp ứng yêu cầu nếu đảm bảo tuyển đủ 50% chỉ tiêu có hộ khẩu thành phố (400 người/năm). Nếu vẫn tiếp tục tuyển 200 người như năm ngoái là thiếu.
“Vì vậy trường cần đảm bảo ít nhất 50% chỉ tiêu tuyển sinh là người thành phố để đảm bảo nguồn nhân lực ‘cứng’ phục vụ cho TP.HCM”, thạc sĩ Hà nói.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến khác nhau.
Có con thi ĐH năm nay, ông Phạm Văn Châu (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho rằng không nên có sự phân biệt này. “Y đa khoa là ngành đào tạo bác sĩ phục vụ chữa bệnh cho người, cần những người thực sự có tài. Do vậy, việc phân tách chỉ tiêu để có mức điểm chuẩn thấp hơn trong cùng ngành học này là không nên. Tuyển người đào tạo bác sĩ nên ưu tiên người có điểm thi cao hơn”, ông Châu nói.
Phụ huynh H.T.N (Q.4, TP.HCM) thì ý kiến: “Nếu kế hoạch này được triển khai, rất có thể sẽ tái diễn tình trạng chạy hộ khẩu từ nơi khác đến TP.HCM như trước đây. Hơn nữa, TP.HCM là địa bàn có điều kiện sống tốt hơn nhiều khu vực khác mà thí sinh được hưởng điểm chuẩn thấp hơn thì không công bằng”.
Theo Thanhnien