Bài 1 (trang 55 SGK Sinh 11): Hô hấp ở cây xanh là gì?
Lời giải:
* Hô hấp ở thực vật là quá trình ôxi hóa sinh học dưới tác động của enzim. Trong đó nguyên liệu hô hấp là các phân tử hữu cơ (đặc biệt là glucôzơ) bị oxi hóa đến CO2 và H2O đồng thời giải phóng năng lượng. Năng lượng đó được tích lũy một phần trong ATP, một phần thoát đi dưới dạng nhiệt.
* Phương trình hô hấp tổng quát:
C6H12O6+ 6O2 → 6CO2 + 6 H2O + Năng lượng (Nhiệt + ATP)
Bài 2 (trang 55 SGK Sinh 11): Hô hấp hiếu khí có ưu thế gì so với hô hấp kị khí?
Lời giải:
Ưu thế của hô hấp hiếu khí so với hô hấp kị khí:
– Từ một phân tử glucôzơ sử dụng cho hô hấp, nếu nó được hô hấp hiếu khí có thể tích lũy được tất cả 38 ATP. Trong khi đó nếu phân tử glucôzơ này hô hấp kị khí thì chỉ tích lũy được 2 ATP.
– Như vậy, từ cùng 1 nguyên liệu đầu vào, hô hấp hiếu khí tích lũy được nhiều năng lượng hơn (gấp 19 lần) so với hô hấp kị khí.
Bài 3 (trang 55 SGK Sinh 11): Trong những trường hợp nào thì diễn ra lên men ở cơ thể thực vật? Cho ví dụ.
Lời giải:
– Ở thực vật, lên men xảy ra ở trong rễ cây khi cây bị ngập úng, trong hạt khi ngâm hạt vào nước hoặc trong cây khi cây ở điều kiện thiếu ôxi.
Ví dụ: khi rễ bị ngập nước lâu (ngập úng), rễ không thể lấy ôxi để hô hấp, quá trình phân giải kị khí (lên men ở thực vật) diễn ra làm cho rễ cây bị thối hỏng và cây có thể bị chết.
– Khi ngâm hạt vào nước hạt no nước nhưng không lấy được ôxi nên quá trình phân giải các chất dự trữ trong hạt diễn ra, tạo điều kiện để hạt được nảy mầm.
Bài 4 (trang 55 SGK Sinh 11): Hãy khái quát về ảnh hướng của môi trường đối với hô hấp của cây xanh,
Lời giải:
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hô hấp của thực vật.
– Nước: Nước cần cho hô hấp, mất nước làm giảm cường độ hô hấp.
– Nhiệt độ: Khi nhiệt độ tăng, cường độ hô hấp tăng theo đến giới hạn mà hoạt động sống của tế bào vẫn còn bình thường.
– Ôxi: Ôxi là nguyên liệu của hô hấp, nếu thiếu ôxi thì hiệu quả hô hấp giảm nhiều (hô hấp hiếu khí tích lũy năng lượng gấp 19 lần hô hấp kị khí).
– Hàm lượng CO2: Nồng độ CO2 cao sẽ ức chế hô hấp.