fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Lý Cách ôn tập để “rinh” điểm khá bài thi môn Vật lý

Cách ôn tập để “rinh” điểm khá bài thi môn Vật lý

0

Cô Nguyễn Thị Hương – Giáo viên dạy giỏi môn Vật lý trường THPT Đống Đa (Hà Nội) – chia sẻ kỹ năng ôn tập và làm bài thi môn Vật lý đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Chúng em là những học sinh chuyên ban C – môn Vật lý không phải là thế mạnh. Vậy xin các thầy, cô chỉ dẫn thêm phương pháp ôn tập và làm bài thi để những học sinh có học lực trung bình, trung bình khá có thể đạt điểm khá khi làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý. Chúng em trân trọng cảm ơn. (Nhóm học sinh tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Vì nội dung đề thi có tính phân hóa rất cao nên đối với học sinh (HS) có học lực trung bình và trung bình khá, các em nên tập trung vào mục tiêu đạt 6-7 điểm. Để đạt số điểm này, các em nên tập trung học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học kĩ lí thuyết và luyện giải kĩ các bài tập cơ bản.

Về nội dung kiến thức

Môn Vật lí có hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút, đề thi gồm 50 câu. Nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong SGK 12 Ban cơ bản, kiến thức bao phủ trong 7 chương: dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, dòng điện xoay chiều, dao động và sóng điện từ, sóng ánh sáng, lượng tử ánh sáng, vật lý hạt nhân.

Khoảng 20-30% số câu hỏi trong đề thi dùng để chọn học sinh khá, giỏi Vật lí, là các nội dung liên quan đến:

Chương Dao động cơ học: Đó là những bài toán va chạm giữa hai vật, bài toán về lực đàn hồi – lực phục hồi, con lắc đơn chịu tác dụng của ngoại lực…

Chương Sóng cơ và sóng âm: chú ý đến những bài toán xác định số cực đại, cực tiểu trong các cạnh của các hình đặc biệt (hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác hay hình tròn); Xác định khoảng cách max, min từ điểm khảo sát đến hai nguồn…

Chương Dòng điện xoay chiều: xoay quanh các bài toán liên quan đến cực trị, bài toán hộp đen, bài toán về độ lệch pha…

Chương Dao động và sóng điện từ: đó là bài toán ghép tụ, tụ xoay…

Chương Sóng ánh sáng: bài toán cần quan tâm đó là xác định số vân sáng cùng màu với vân sáng trung tâm và gần vân sáng trung tâm nhất, các bài toán về giao thoa với ánh sáng hỗn hợp, hoặc bài toán xác định độ dịch chuyển của hệ vân giao thoa khi trước hai nguồn đặt một bản mỏng…

Chương Lượng tử ánh sáng: chú ý đên bài toán electron chuyển động trong điện trường và từ trường, xác định quãng đường và vận tốc của nó.

Chương Vật lý hạt nhân: cần quan tâm tới hai định luật bảo toàn động lượng và bảo toàn năng lượng toàn phần để xác định vận tốc hay góc hợp bởi hai hạt nhân

Do đó, học sinh Khá, giỏi để đạt điểm 9, 10 cần ôn tập những bài trọng điểm trong chương trình lớp 10, 11 những kiến thức liên quan như:

• Lớp 10: Động học và động lực học chất điểm. Chú trọng đến các khái niệm vận tốc, gia tốc, lực quán tính, các định luật Niu – tơn và các lực cơ học, các định luật bảo toàn động lượng, cơ năng, năng lượng…

• Lớp 11: Công của lực điện trường, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của lực điện trường; Từ trường và cảm ứng điện từ, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của từ trường (lực Lo–ren–xơ); Thấu kính và lăng kính, sự truyền ánh sáng qua thấu kính và lăng kính, các công thức thấu kính và lăng kính…

cach-on-tap-de-rinh-diem-kha-bai-thi-mon-vat-ly_1459081574_1

Kỹ năng ôn tập lý thuyết Vật lý

Phần lý thuyết nên tóm tắt logic theo từng chương, hiểu bản chất, sau đó áp dụng vào hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm lí thuyết của từng chương với các tình huống đa dạng, khai thác vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau.

Nhiều học sinh thường coi nhẹ việc học lí thuyết. Đây là một sai lầm vì thường lí thuyết chiếm đến 1/3 lượng câu hỏi trong đề thi và các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết cho trong đề thường bám sát sách giáo khoa nên nếu chịu khó học lí thuyết thì 1/3 điểm của bài thi các em sẽ đạt được một cách chắc chắn.

Kỹ năng ôn tập phần bài tập Vật lý

Trong quá trình ôn tập, với mỗi chương, các em cần phân loại các bài tập theo từng chủ đề, mỗi chủ đề lại phân theo từng dạng bài tập cụ thể, ban đầu có thể giải các dạng bài tập từ căn bản đến nâng cao đó dưới hình thức tự luận sau khi đã thành thạo kĩ năng giải cho mỗi dạng học sinh nên hệ thống các công thức giải nhanh, rèn luyện cho mình kĩ năng tính toán, bấm máy tính và tính nhẩm nhanh.

Sau đó áp dụng vào hệ thống bài tập ví dụ và vận dụng đa dạng, phong phú (đáp án chi tiết, kèm các chú ý cách phát triển bài toán và nhìn nhanh ra hình thức biến tướng của các dạng có thể ra trong đề thi Đại học ).

Sau khi đã hoàn thành kiến thức của 7 chương đó, các em nên luyện giải các đề trắc nghiệm bằng các đề thi thử ở tất cả các nơi uy tín, giải lại đề thi của 3 năm gần nhất để luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm và có thêm kinh nghiệm “đọc” đề thi.

Kỹ năng làm bài thi Vật lý (trắc nghiệm) và lưu ý để có thể tránh mất điểm ở những lỗi cơ bản:

– Đọc trước toàn bộ đề: Đọc thật nhanh qua toàn bộ và làm những câu dễ trước; đánh dấu những câu chưa làm được. Các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu trắc nghiệm, sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn, mà điểm số thì được chia đều.

– Đọc lại toàn bộ bài kiểm tra lần thứ hai và trả lời những câu hỏi khó hơn. Có thể các em sẽ gặp một vài câu mà bản thân còn phân vân chưa biết phương án nào chắc chắn đúng, khi đó hãy sử dụng phương pháp loại trừ.

– Phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn tìm bước sóng của ánh sáng khả kiến thì giá trị phải trong khoảng 0,38 (μm) đến 0,76 (μm).

– Mỗi đại lượng vật lí còn cần có đơn vị đo phù hợp nữa: Đừng vội vàng khi con số tính được trùng khớp với con số của một phương án trả lời nào đấy, phải xem kĩ đơn vị có trùng khớp không.

– Khi trong 4 phương án trả lời, nếu hai phương án mà hoàn toàn trái ngược nhau thì một trong hai phương án đó có thể là đáp án đúng.

– Em phải cảnh giác với những câu hỏi yêu cầu nhận định phát biểu là đúng hay sai. Nên đọc cho hết câu hỏi. Vì thực tế có em chẳng đọc hết câu đã vội trả lời rồi.

– Các em có 2 cách để tìm đáp án đúng:

* Cách thứ nhất: Giải bài toán đầu bài đưa ra tìm đáp số xem có trùng với đáp án thì chọn.

* Cách thứ hai: Ta dùng đáp án đó đưa vào công thức mà các em biết thì đáp án nào đưa vào công thức có kết quả hợp lý là đáp án đúng.

– Cuối cùng, trả lời tất cả các câu (“tô” may mắn!): Mỗi câu đều có điểm, vậy nên, bỏ qua câu nào là mất điểm câu đó. Khi đã gần hết thời gian làm bài, nếu còn một số câu trắc nghiệm chưa tìm được phương án trả lời đúng, các em không nên bỏ trống, mà nên lựa chọn ngẫu nhiên phương án trả lời.

Chúc các em ôn tập và làm tốt bài thi THPT quốc gia năm 2016.

Cô Nguyễn Thị Hương – Giáo viên dạy giỏi môn Vật lý

Comments

comments