Ngoài việc điểm chuẩn vào một số chuyên ngành giảm, 2019 cũng là năm đầu tiên Học viện Cảnh sát Nhân dân và Học viện An ninh Nhân dân xét tuyển bổ sung.
Thông tin về vấn đề này, thiếu tướng Trần Minh Chất, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân (CSND), cho biết: Điểm trúng tuyển vào các trường công an nhân dân nói chung, Học viện Cảnh sát Nhân dân nói riêng năm nay giảm hơn so với các năm trước là do một số nguyên nhân như những thay đổi trong quy định tuyển sinh mới của Bộ Công an.
Thay vì các môn đăng ký xét tuyển chỉ cần đạt trung bình 6 điểm một môn, năm nay, điểm trung bình các môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển phải đạt từ 7 trở lên.
Bên cạnh đó, bộ cũng đã thay đổi cơ cấu đầu vào. Theo đó, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Công an xác định theo các tổ hợp xét tuyển và các tiêu chí phụ để nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, năm nay, tiêu cực trong tuyển sinh ở nhiều địa phương giảm nhiều nên mặt bằng điểm thi THPT được trả về với giá trị thật. Và cuối cùng là tâm lý sợ điểm chuẩn vào các trường công an nhân dân nói chung, Học viện Cảnh sát Nhân dân nói riêng, vẫn cao như các năm trước, nhiều thí sinh đạt 25, 26 điểm đã quyết định rút hồ sơ vì sợ trượt trong đợt điều chỉnh nguyện vọng. Riêng đối với nữ, do chỉ tiêu ít, điểm chuẩn vào học viện vẫn nằm trong tốp cao với 27,12 điểm.
Liên quan việc học viện xét tuyển bổ sung hàng chục chỉ tiêu, đại diện Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết quá trình xét tuyển nguyện vọng đợt 1 không xảy ra hiện tượng thí sinh ảo, 100% thí sinh trúng tuyển học viện đều nhập học. Việc nhà trường xét tuyển bổ sung chủ yếu do không thể hạ điểm chuẩn thấp hơn do phải đảm bảo các yêu cầu về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Về lộ trình đổi mới tuyển sinh vào các trường công an nói chung, Học viện Cảnh sát Nhân dân nói riêng, thiếu tướng Trần Minh Chất cho biết Bộ Công an đang muốn đổi mới tuyển sinh theo hướng khoa học là hạn chế đầu vào đối với học sinh phổ thông, tăng cường lựa chọn những người có khả năng, trình độ đã tốt nghiệp ở các đại học khác đưa về các trường công an nhân dân để đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu làm theo hướng này, chất lượng cán bộ sẽ tốt hơn.
Tuy vậy, thiếu tướng Trần Minh Chất cũng cho rằng bên cạnh tuyển sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, vẫn nên duy trì tuyển học sinh phổ thông, vì việc đan xen giữa nhiều thế hệ sẽ mang lại thuận lợi hơn, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ kế cận.
Thông tin về kế hoạch tuyển sinh của các trường công an trong thời gian tới, thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an, cho biết: Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu đề án đổi mới tuyển sinh vào các trường công an nhân dân.
Hiện nay, đề án đổi mới tuyển sinh trong quá trình xây dựng và nếu được các cấp phê duyệt, dự kiến được áp dụng từ năm 2020. Mục tiêu của đề án là đưa ra những quy định mang tính đặc thù của ngành, nhằm hạn chế gian lận thi và tuyển chọn được những người có năng lực, năng khiếu phù hợp để đào tạo tại các trường công an nhân dân.
Chủ trương này cũng phù hợp quy định của Luật Công an Nhân dân, Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, cũng như quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.