Chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, động viên học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19.
Chia sẻ với thầy cô, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
cho rằng, thời gian qua, ngành Giáo dục đã thể hiện tinh thần vượt khó, sự nỗ lực, kiên trì để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa dạy và học trong điều kiện khó khăn.
Vui mừng vì dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, học sinh được trở lại trường học song Bộ trưởng cũng lưu ý, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, vì vậy toàn ngành cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho học sinh, giáo viên.
“Các trường cần lưu ý cách bố trí, sắp xếp học sinh trong từng lớp học đảm bảo an toàn; các thầy cô cần để ý tới học sinh trong quá trình chơi. Chúng ta làm nghiêm nhưng tùy vào tình hình, điều kiện để thực hiện, tránh làm máy móc. Ngoài ra, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, mỗi nhà trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên” – Bộ trưởng nói.
Về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng cho rằng, 1-2 tuần đầu học sinh đi học trở lại, các nhà trường cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ dịch, từ đó có kế hoạch củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới.
“Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết” – Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc tiếp tục phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến thời gian qua để áp dụng trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo, bởi đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là cơ hội để hướng tới nền giáo dục số.
Theo Bộ trưởng, với việc triển khai dạy học trực tuyến thời gian qua, học sinh có ý thức tự học, giáo viên nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, tương tác giữa gia đình và nhà trường hiệu quả. Qua thực tiễn dạy học trực tuyến phải được rút ra bài học và thành quả của việc này để tiếp tục duy trì.
Trong buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe những trăn trở của học sinh và giáo viên về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ông cho rằng, có hai điểm đã giúp giải tỏa tâm lý của học sinh và các trường đại học, là việc vẫn duy trì điểm thành phần của bài thi tổ hợp và mục đích của kỳ thi này.
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho hay, kỳ thi năm 2020 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2019, để tạo điều kiện cho học sinh yên tâm ôn tập, Bộ GDĐT sẽ sớm ban hành bộ đề thi tham khảo, quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh năm 2020.
Bộ trưởng mong muốn, các thầy cô giáo sẽ hỗ trợ, động viên học sinh lớp 12 để các em ôn tập tốt, yên tâm hướng tới kỳ thi. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em thấy được hướng đi phù hợp, hiệu quả cho tương lai.
Trước những lo lắng của giáo viên về cách thức tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng khẳng định sẽ tăng cường đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, trung thực. Dự kiến trong tuần này, Bộ sẽ ban hành quy chế tuyển sinh.
“Phương án tuyển sinh của các trường đưa ra phải có cơ sở, tính toán chứ không phải được phép đưa ra tổ hợp này, tổ hợp kia gây khó khăn cho thí sinh. Ngay cả kỳ thi riêng cũng không phải dễ dàng. Để được tổ chức kỳ thi riêng, các trường phải thỏa mãn rất nhiều yêu cầu”, Bộ trưởng nói.
Về việc sử dụng điểm học bạ để xét tốt nghiệp, ông Nhạ cho biết, hiện nay tất cả các trường đều sử dụng sổ điểm điện tử, do vậy rất minh bạch. Phổ điểm thi tốt nghiệp cũng rất minh bạch. Do đó khi đối sánh, nếu địa phương nào, trường nào có phổ điểm thi tốt nghiệp thấp, trong khi điểm học bạ cao là có vấn đề.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề chấm điểm các trường cũng cần phải nghiêm túc, tránh tình trạng nhiều trường đại học sử dụng điểm học bạ, từ đó dẫn tới hiện tượng làm đẹp học bạ.
Trao đổi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, mọi công tác nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đã được nhà trường thực hiện triệt để. Tất cả học sinh khi đến trường đều được đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách chỗ ngồi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.
“Trường có 47 lớp nhưng để thực hiện giãn cách, hiện đã chia thành 94 lớp, mỗi học sinh ngồi một bàn và được xếp so le. Việc chia nhỏ lớp sẽ làm giáo viên vất vả hơn nhưng sau bao nhiêu ngày nghỉ và dạy học trực tuyến ở nhà, hầu hết giáo viên đều có tâm trạng mong ngóng ngày học sinh được trở lại trường để dạy học trực tiếp. Với lòng yêu nghề, các giáo viên sẵn sàng nhận phần vất vả về mình” – Cô Nhâm Huyền nói , đồng thời cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến để hỗ trợ học việc trực tiếp phù hợp và hiệu quả.
Chia sẻ với Bộ trường về ngày đầu đến trường sau thời gian nghỉ chống dịch, các em học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng bày tỏ sự hào hứng, tinh thần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như tinh thần nghiêm túc trong học tập để hoàn thành học kỳ II của năm học.
Theo Tienphong