Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giáo dục cần phải dịch chuyển sang hướng đánh giá năng lực, học gì thi nấy để phát triển toàn diện hơn.
Nội dung chính thức của phương án thi THPT Quốc gia 2017 sẽ được công bố trước ngày 10/9. Theo Bộ trưởng, những thay đổi của năm 2017 chỉ là phát huy và kế thừa những điểm thành công của năm 2016 và khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Thi đánh giá năng lực là biện pháp tốt để hạn chế tiêu cực
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, việc định hướng cấu trúc đề thi theo hướng đánh giá năng lực là một hướng đi không mang tính bộc phát mà có sự cân nhắc kỹ lưỡng của Bộ. Dư luận có thể nhìn thấy những thành công mà trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu được sau 3 năm tổ chức thi đanh giá năng lực riêng. Rất nhiều trường cũng đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để tuyển sinh.
Việc tổ chức thi trắc nghiệm và chấm thi trên máy sẽ giúp hạn chế tiêu cực trong thi cử và chấm thi. Khi mà mỗi thí sinh có 1 mã đề riêng thì rất khó để nhìn bài, trao đổi bài hay sao chép bài của nhau. Việc không chấm thi theo barem điểm thì sẽ không có sự du di giữa các giám khảo. Máy tính chấm điểm thì sẽ công tâm và công bằng cho tất cả thí sinh.
Thêm vào đó việc tích hợp nhiều môn trong một bài thi sẽ giúp các trường đánh giá thí sinh 1 cách toàn diện hơn. Thí sinh cũng cần nỗ lực hơn trong học tập và phải cố gắng hiểu bản chất của vấn đề để có thể hoàn thành được những câu hỏi kết hợp kiến thức nhiều môn, nhiều cấp. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng học tủ, học lệch đang tràn lan hiện nay.
Bỏ đổi mới là chặn đường phát triển của giáo dục
Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, việc đổi mới giáo dục qua các năm là việc tất yếu, điều này không đồng nghĩa với việc Bộ GD&ĐT đem thí sinh ra để làm “thí nghiệm” hay “chuột bạch”. Mọi thay đổi đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để tăng chất lượng giáo dục và hướng tới nền giáo dục có nền tảng tốt, lộ trình tốt và hiệu quả tốt. Đổi mới hôm nay là tương lai của ngày mai, thành công có thể không đến ngay nhãn tiền nhưng chắc chắn sẽ đem lại tiền đề cho nhiều năm về sau.
Đến thời điểm này, sau hơn 30 năm đổi mới giáo dục, Bộ trưởng nhận định giáo dục nước nhà đã có những bước tiến đáng kể nhưng chưa xứng với kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và khoảng cách với giáo dục chuẩn quốc tế còn xa. Đặc biệt giáo dục đại học vẫn chưa gắn với nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên của gia đình, xã hội và nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm.
Chính vì vậy cần phải định hướng lại việc giảng dạy ngay từ bậc phổ thông, nâng cao chất lượng giáo viên, sát sao chất lượng đào tạo của các trường đại học và cải cách hình thức thi cử sao cho sát với thực tế cuộc sống. Việc đưa thi trắc nghiệm tổng quan vào kỳ thi THPTQG được xem là một đề xuất phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, tiến gần hơn với chuẩn quốc tế và đánh giá được toàn diện thí sinh.
Xem thêm: