Chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả thi THPT quốc gia năm nay. Trong đó vấn đề báo chí đặc biệt quan tâm là xuất hiện hàng nghìn điểm 10 ở tất cả các môn thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Cho tới hôm nay, 63 tỉnh thành phố đã công bố hết điểm thi cho thí sinh, trước một ngày so với kế hoạch dự kiến. Bộ cũng đã rất cẩn trọng với khâu chấm thi năm nay. Vì không chỉ đối sánh về tên tuổi, số báo danh của thí sinh mà còn đối sánh cả những sai sót trong suốt quá trình chấm thi. Đó là vẽ lại phổ điểm của mỗi sở trên cơ sở dữ liệu gốc để đối sánh với phổ điểm của các sở. Nếu hai phổ điểm trùng khít nhau thì cho công bố.
Kiểm tra 63 tỉnh thành phố, Bộ đánh giá cao sự nghiêm túc của các địa phương, chấm rất sát sao, không có sai sót gì đáng kể. Về công bố điểm thi, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, công bố điểm thi thuận lợi cho thí sinh, nên ngoài các Sở công bố, Bộ cũng gửi dữ liệu cho các cơ quan thông tấn để giảm tải đường truyền. Năm nay nhà mạng Vinaphone cũng hợp tác với Bộ hỗ trợ công bố điểm miễn phí cho thí sinh qua tin nhắn. Nên việc công bố điểm năm nay thông suốt, không gặp sự cố gì.
Đến giờ đã có điểm của đủ 63 tỉnh thành. Đánh giá của Bộ về điểm thi năm nay, thưa ông?
Hiện nay các tổ kỹ thuật của Bộ đang phân tích phổ điểm, nên việc dư luận thấy điểm 10 nhiều thì mới chỉ là phạm vi hẹp, cục bộ. Vì vậy để có được cái nhìn tổng quát thì Bộ phải tổng hợp hết dữ liệu rồi mới phân tích phổ điểm của cả nước. Việc đánh giá bài làm của học sinh thế nào, đề thi dễ hay khó thì phải có phổ điểm tổng hợp.
Năm nay có hiện tượng “mưa điểm 10”. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu đề có quá dễ, hay có vấn đề thiếu nghiêm túc trong coi thi tại các địa phương? Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhiều điểm cao không có nghĩa là coi thi thiếu nghiêm túc hay đề thi quá dễ. Như tôi nói, muốn đánh giá chất lượng bài thi, phải chờ kết quả tổng thể. Nếu phổ điểm nghiêng vọt về phần điểm cao, còn điểm 0, điểm 1 lại quá thấp thì lúc đó mới kết luận đề thi quá dễ, thí sinh nào cũng làm được. Còn nếu phân bố tập trung ở điểm 5 điểm 6 thì đề thi đó bình thường. Còn nếu nghiêng quá nhiều về điểm thấp thì đề thi quá khó. Còn số thí sinh đạt nhiều điều 10 cũng không có gì ghê gớm. Đánh giá kết quả thi, chất lượng làm bài, chất lượng đề phải dựa vào phổ điểm. Còn việc nhận định từ hiện tượng điểm 10 bao nhiêu thí sinh, điểm 9 bao nhiêu thí sinh thì phiến diện.
Thống kê cho thấy, bình quân 6.000 bài thi có 1 điểm 10 theo ông, con số này có chấp nhận được không?
Như tôi đã nói, phải chờ có phổ điểm tổng thể thì mới đánh giá được điểm cao nhiều hay thấp. Không thể đánh giá cục bộ. Ma trận đề thi năm nay được xây dựng theo phương thức có những câu dễ, câu rất dễ, câu khó, câu rất khó. Vì đây là đề thi trắc nghiệm khách quan được chuẩn hóa. Có 4 mức độ của đề, mỗi mức độ có nhiều câu hỏi. Trước đây thi tự luận, nếu đã khó sẽ khó với tất cả mọi người, còn với trắc nghiệm khách quan, nó phù hợp với tất cả thí sinh. Do đó, không nên so sánh nhiều điểm 10 hơn năm ngoái. Không có ý nghĩa gì cả. Vì dải kiến thức của đề thi năm nay phủ rộng, không như trước.
Đề thi trắc nghiệm khác với đề thi tự luận trước đây vì đề thi tự luận nằm ở một vùng kiến thức nào đó thôi, còn đề thi năm nay, câu khó có thể nằm ở bất kỳ phần kiến thức nào đó của chương trình. Nên nắm hết chương trình đều có thể làm được bài.
Năm nay lần đầu tiên thi chuẩn hóa nên có ngân hàng câu hỏi. Năm nay 60% câu hỏi nằm ở phần cơ bản nên chỉ cần làm hết phần này là các em đã đạt điểm trên trung bình. Phần nâng cao còn lại thì một số em làm tốt điểm sẽ cao. Còn học sinh chỉ nắm kiến thức cơ bản đã làm được 60%.
Xin cảm ơn ông!
“Đánh giá kết quả thi, chất lượng làm bài, chất lượng đề phải dựa vào phổ điểm. Còn việc nhận định từ hiện tượng điểm 10 bao nhiêu thí sinh, điểm 9 bao nhiêu thí sinh thì phiến diện”. – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Theo Tienphong