Năm 2018, cùng với môn Lịch sử và GDCD, môn Địa lí tiếp tục thi theo hình thức thi trắc nghiệm, nằm trong tổ hợp môn Khoa học Xã hội.
Về hình thức, thi trắc nghiệm có thể dễ dàng ăn điểm ở một mức độ nào đó và tránh cho học sinh không bị điểm liệt, song để đạt điểm cao lại rất khó, phụ thuộc nhiều vào sự chú ý đầu tư trong ôn tập và kỹ năng làm bài
Dưới đây là một số chia sẻ về kỹ năng làm bài và những lưu ý để tránh sai sót khi làm bài thi trắc nghiệm mà Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà – Giáo viên Địa lí tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và luyện thi môn Địa lí.
Hệ thống kiến thức theo chủ đề, thành thạo phương pháp giải quyết bài tập kỹ năng
Theo như đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT đã công bố, đề thi Địa lí sẽ bao gồm:
60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu và 40% ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Chương trình thi sẽ có cả hai phần kiến thức lớp 11 và 12, trong đó phần lớp 12 có 19 câu hỏi, lớp 11 có 6 câu
Phần kĩ năng:
Atlat địa lí Việt Nam 10 câu (Tự nhiên – dân cư 5 câu; các ngành kinh tế 3 câu; các vùng kinh tế 2 câu)
Bảng số liệu thống kê: 2 câu ( Lớp 11 1 câu; Lớp 12 1 câu)
Kĩ năng biểu đồ 3 câu (nhận xét biểu đồ 2 câu, nhận dạng biểu đồ 1 câu)
Thời điểm này chỉ cách ngày thi hơn một tháng nữa, các em hãy chú ý hệ thống, củng cố, hoàn thiện lại các phần kiến thức, kỹ năng, ôn tập theo các chủ đề như tự nhiên Việt Nam, dân cư xã hội, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế,…
Cố gắng lập các bảng biểu tổng kết ngắn gọn để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. Dành nhiều thời gian, đọc đi đọc lại các nội dung ôn tập, tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý sau đó thử trình bày, viết lại vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được những gì, cái gì chưa nhớ. Đánh dấu lại phần chưa nhớ để ôn lại.
Đối với các câu hỏi phần kỹ năng, hãy chú ý tập sử dụng Atlat Địa lí. Atlat được coi là quyển “sách giáo khoa thứ hai”, cũng là tài liệu quan trọng được sử dụng trong phòng thi. Các em cần nắm vững các phương pháp sử dụng Atlat như: biểu hiện các đối tượng địa lí, các kí hiệu trên Atlat, mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat.
Ngoài ra, những kĩ năng địa lí (phân tích bảng số liệu thống kê, biểu đồ…) cũng cần phải được tăng cường trau dồi trong thời gian này: nắm vững cách phân tích một bảng số liệu thống kê, cách giải quyết các bài tập kỹ năng, ghi nhớ dấu hiệu nhận dạng của các loại biểu đồ,…
Những lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm môn Địa lí
Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lí là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi. Thời gian trung bình cho một câu hỏi là khoảng 1ph15s – 1ph25s. Nếu qua khoảng thời gian đã định này mà các em vẫn chưa tìm ra đáp án, thì hãy bỏ qua câu này để làm sang câu khác dễ hơn, tạo cơ hội “quay vòng” để làm lại các câu hỏi khó khác lần thứ hai.
Cũng giống như các môn thi trắc nghiệm khác, khi làm bài thi môn Địa lí các em hãy đọc kỹ một lượt các câu hỏi, cảm thấy câu nào dễ thì nhanh chóng làm ngay, càng làm được nhiều câu dễ “tâm lý” làm bài của các em sẽ càng thoải mái hơn.
Đối với những câu hỏi khó, trong trường hợp không tìm ra được đáp án đúng hãy sử dụng kỹ năng phỏng đoán – loại trừ đi một số phương án gây nhiễu để tìm cho mình được đáp án đúng nhất. Tuyệt đối không được bỏ trống bất kì câu hỏi nào, bởi trong bài thi trắc nghiệm phần nào vẫn sẽ có những yếu tố may mắn.
Địa lí được đánh giá là môn thi “dễ ăn điểm” trong tổ hợp Khoa học xã hội, tuy nhiên các em cũng không được chủ quan, thời gian còn lại hãy tranh thủ hệ thống hóa kiến thức còn hổng bằng sơ đồ tư duy. Thầy không khuyến khích các bạn “học ngày, cày đêm”, trước ngày thi khoảng một tuần hãy giảm cường độ ôn tập, vừa học vừa chơi để thư giãn tạo tâm lý tốt nhất để bước vào kì thi.
Chú ý chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập nhất là bút chì và tẩy, các em nên mang theo 2 – 3 bút chì đã gọt sẵn nếu gãy thì có bút khác thay thế ngay, khi làm bài thật bình tĩnh tự tin, không nóng vội.