Tại “Lễ trưởng thành và giao lưu cùng thủ khoa 2003” do Trung tâm giáo dục Tâm Chí Tài tổ chức, các thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã có nhiều chia sẻ tới học sinh chuẩn bị dự thi năm nay về kinh nghiệm ôn tập và bí quyết giành được điểm cao của mình.
Học vững các kiến thức nền tảng
Trần Công Duy là thủ khoa khối A0 (Toán, Lý Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Anh) trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với lần lượt 27,65 điểm và 28,25 điểm. Hiện nay, em đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Duy chia sẻ, em học tốt nhất và tự tin nhất với môn Toán. Để học Toán tốt, bí kíp của Duy là đọc thật kỹ kiến thức trong sách giáo khoa kết hợp việc chăm đọc thêm tài liệu từ bên ngoài, học đến đâu vững đến đó.
Giai đoạn ôn thi, Duy tập trung ôn lại kiến thức trong sách và luyện đề nhiều để rèn luyện kỹ năng làm bài nhanh, chính xác nhất có thể. Em đặt ra nguyên tắc không làm sai những câu đơn giản, sau đó mới làm câu khó hơn. “Quan trọng nhất trong giai đoạn ôn thi là ý thức tự học. Em cố gắng đặt sự tập trung tuyệt đối, không chểnh mảng trong lúc học. Để nhớ các công thức toán, cách tốt nhất là thực hành nhiều, làm nhiều dạng bài tập nhất có thể, từ cơ bản đến nâng cao”, Duy chia sẻ.
Những ngày cuối cùng trước kỳ thi, Duy không ép bản thân học quá nhiều mà kết hợp nghỉ ngơi điều độ để bớt áp lực và có sức khỏe khi bước vào kỳ thi.
Nguyễn Hải Yến, thủ khoa khối D1 trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, Hà Nội với 28,25 điểm (lần lượt các môn: Toán 9,4; Văn 9,25 và Anh 9,6) cho biết, em bắt đầu ôn thi tốt nghiệp THPT từ giữa kỳ I năm lớp 12. Khi ấy, em học Toán còn chưa được giỏi, nhiều kiến thức còn mơ hồ.
Yến học Toán tốt hơn mỗi ngày nhờ tự học và nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè. Khi luyện đề Toán, em thường tập trung làm chắc khoảng 42-43 câu đầu, tới những câu sau sẽ tranh thủ hỏi thầy và các bạn để học hỏi cách giải quyết vấn đề. “Em cố gắng nắm chắc kiến thức cơ bản để không bị sai những câu đơn giản nhất”, Yến nói.
Với môn tiếng Anh, bí kíp học tốt của Yến là thực hành thật nhiều và có một nhóm bạn đồng hành, cùng luyện nói, giúp đỡ nhau. Với môn Văn, em thường ôn tập theo chuyên đề, ví dụ chuyên đề người lính, chuyên đề tình yêu,… Khi học văn, em học nhiều dẫn chứng để dễ dàng phát triển các ý trong lúc viết bài. Khi học thơ, Yến chú tâm học về các biện pháp tu từ, sau đó hệ thống lại và ghi nhớ. Riêng bài nghị luận, bí kíp của Yến là nắm chắc các bước, cấu trúc cơ bản cần có của dạng bài này; đảm bảo đủ khi viết.
“Lên lớp 12 rất bận nên em luôn sắp xếp thời gian học tập, sinh hoạt sao cho đảm bảo cân bằng, hợp lý. Khi phân bổ thời gian học, môn nào học kém nhất, em sẽ dành thời gian học nhiều nhất. Ví dụ, em học kém nhất là môn Văn nên dành khoảng 2-3 tiếng/ngày để ôn tập Văn”, Yến tâm sự.
Sức khỏe tinh thần rất quan trọng
Trịnh Hà My là thủ khoa khối A0 và á khoa khối A1, trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Hiện My đang theo học ngành Vật lý học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. My chia sẻ, một trong những bí kíp ôn tập hiệu quả của em chính là đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, cố gắng đi ngủ sớm.
My bắt đầu ôn thi tốt nghiệp THPT từ đầu năm lớp 12, đến giai đoạn “nước rút” là các tháng cuối trước kỳ thi vẫn duy trì đều đặn việc đi ngủ vào lúc 22h30, 23h hàng ngày. “Em thấy giấc ngủ rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển của não bộ nên không ép bản thân học quá nhiều mà chú ý cả việc nghỉ ngơi nữa. Những lúc đi ngủ lệch so với đồng hồ sinh học của mình, em rất mệt mỏi, uể oải, sáng ra học cũng không vào”, My nói. Đến buổi sáng, em thường dậy lúc 5h và gọi Facetime với các bạn để cùng ôn thi, trao đổi. Với My, đây là khung giờ học rất hiệu quả.
Theo My, để có thể tập trung học tập, điều quan trọng là cần tìm thấy sự yêu thích trong việc học và có động lực để cố gắng, có những mục tiêu rõ ràng. Khi gặp vấn đề stress trong thời gian ôn thi, em chọn cách hít thật sâu để bình tĩnh, tự nhủ mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Với em Phạm Đức Chính, thủ khoa khối A0 trường THPT Việt Đức (Hà Nội), bí quyết ôn thi chính là tự học sớm nhất có thể. Muốn tự học tốt, nên có bạn bè, “đồng đội” bên cạnh để vừa tạo cho bản thân động lực, vừa giúp trao đổi kiến thức khi gặp những câu khó. Trước kỳ thi THPT quốc gia, Chính thường luyện đề theo thời gian thi thực, ví dụ môn Toán thi khung giờ nào sẽ luyện đề thi vào đúng khung giờ ấy để khi bước vào kỳ thi không bỡ ngỡ. Điều này đã giúp em tự tin hơn và nhanh chóng thoát khỏi các vấn đề tâm lý trong phòng thi thực.
Chính tâm sự, giai đoạn “nước rút”, em ngủ không đủ 8 tiếng một ngày do thời gian đầu chỉ tập trung ôn môn Toán, bắt đầu ôn luyện các môn Lý, Hóa khá muộn. Bởi vậy, em mất nhiều sức hơn và khá mệt mỏi trong suốt quá trình ôn thi. Lời khuyên của Chính cho các bạn khóa dưới là cố gắng ôn luyện sớm và phân bổ thời gian để ôn đều các môn.
Động lực lớn nhất giúp em vượt qua sự căng thẳng khi nghĩ đến viễn cảnh “thi trượt, điểm kém” là những lời động viên của bố mẹ. “Bố mẹ luôn nói con thi được đến đâu thì thi, không tạo áp lực cho em. Nhờ điều ấy, em thoải mái hơn rất nhiều, vì đã bị áp lực từ chính bản thân rồi”, Chính nói.
Mẹ của em Nguyễn Hải Yến, thủ khoa trường THPT Đoàn Kết cũng cho biết, chị luôn cố gắng động viên con hàng ngày, không ép buộc con nhiều. Điều chị dặn dò con thường xuyên nhất là phải biết cách sắp xếp thời gian, “giờ nào việc ấy” để đảm bảo sức khỏe; đặc biệt phải đi ngủ đúng giờ để đầu óc minh mẫn, tỉnh táo.
Về chế độ dinh dưỡng, người mẹ cho biết chị vẫn cho con ăn uống theo chế độ thường ngày, tuy nhiên tăng khẩu phần rau củ quả và kết hợp bổ sung thêm các vitamin như vitamin C, vitamin A.
Cần nhất lúc này là sự tập trung
Theo thầy Nguyễn Chí Chung, giáo viên Toán học, Trung tâm giáo dục Tâm Chí Tài, việc thủ khoa khóa trước chia sẻ kinh nghiệm ôn tập sẽ giúp ích rất nhiều cho những học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT; đặc biệt là truyền cảm hứng, động lực để các em có thêm tinh thần, sự quyết tâm. Thầy Chung nhấn mạnh, trong giai đoạn “nước rút” lúc này, điều các em cần nhất vẫn là sự tập trung.
“Cần rà soát tất cả kiến thức nền tảng và luyện thêm các dạng bài vận dụng cao. Ngoài ra, giữ cho thân thể khỏe mạnh, tâm tưởng thoải mái chính là sự chuẩn bị tốt nhất”, thầy Chung nói.
Với những học sinh đang lo lắng, hoang mang vì cảm thấy kiến thức trang bị tới thời điểm này chưa đủ, “chưa học được nhiều”, theo thầy Chung, các em cần tập trung lấy lại toàn bộ kiến thức gốc, kiến thức cơ bản, vì làm chắc phần này đã có thể giành được 7-8 điểm. Không nên ôm đồm, “nhìn đông nhìn tây”, phân tâm khi thấy bạn bè luyện dạng bài khó. Bên cạnh đó, nên phân bổ giờ học, ngày học cho phù hợp để đạt hiệu quả nhất.