Từ chiều 27/6, Ban chấm thi bắt đầu làm việc để kịp công bố kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 11/7.
Ngay sau khi kết thúc ba ngày thi THPT quốc gia, các hội đồng thi bắt đầu làm phách bài thi. Ngoại trừ Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại là trắc nghiệm và được chấm bằng máy.
Bài thi Ngữ văn được chấm hai vòng độc lập và chấm kiểm tra
Bài thi Ngữ văn phải được đánh và rọc phách trước khi giao cho tổ chấm thi, số phách được bảo mật tuyệt đối. Tại cuộc họp kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết có hai phương thức đánh phách là đánh một vòng hoặc hai vòng độc lập.
“Chủ tịch Hội đồng thi sẽ quyết định, nhưng dù theo cách nào cũng phải đảm bảo cán bộ làm phách được cách ly hoàn toàn giống như in sao đề thi”, ông Trinh nói.
Sau khi làm phách, Ban chấm thi sẽ làm việc. Ông Trinh thông tin môn tự luận phải được chấm hai vòng độc lập và mỗi vòng ở một phòng riêng.
Trước khi giao bài chấm xong hai vòng cho hai cán bộ chấm thi thống nhất điểm, cần đối chiếu điểm bài thi ở phiếu ghi điểm của hai người. Nếu phát hiện chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên, trưởng môn chấm thi phải yêu cầu theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của hai cán bộ chấm thi nhằm phòng ngừa sai sót, vi phạm quy chế thi. Cán bộ chấm thi không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình của ba lần chấm làm điểm chính thức thì trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Bên cạnh việc chấm hai vòng độc lập, Ban chấm thi cũng phải chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi tự luận cùng tiến độ với việc chấm vòng 1 và vòng 2. Theo ông Trinh, việc này nhằm kiểm tra xem cán bộ chấm thi đã làm đều tay chưa và nếu có sai lệch thì điều chỉnh kịp thời.
Việc chấm kiểm tra do lãnh đạo Ban chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài hoặc chọn ra những bài có nghi vấn và giao cho tổ chấm kiểm tra. Các thành viên của tổ này chỉ trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi có liên quan theo chỉ đạo của trưởng ban chấm thi.
Cách thức chấm bài thi trắc nghiệm
Việc chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện bằng máy. Quy trình quét bài trắc nghiệm, xử lý, chấm thi và báo cáo phải được giám sát chặt chẽ.
Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị. Các tệp dữ liệu quét bài thi gốc (kèm theo số báo danh, chưa kiểm dò, chưa sửa chữa, chưa chấm thi) được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được ghi vào hai đĩa CD giống nhau, dán niêm phong, có chữ ký của bộ phận giám sát; một đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ, chậm nhất ngày 4/7.
Sau khi niêm phong đĩa CD1, các đơn vị mới được phép mở niêm phong các tệp dữ liệu phục vụ chấm thi do Cục Quản lý chất lượng gửi đến. Tổ xử lý bài trắc nghiệm tiến hành việc xử lý bài thi và chấm thi chính thức.
Điểm của bài thi tổ hợp là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân. Điểm của các bài thi độc lập và điểm của từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh khẳng định máy chấm thi đã hoàn thiện, chạy thử từ đầu tháng 5 và sẵn sàng chấm thi từ bây giờ. Quy trình chấm thi khép kín, nghiêm ngặt, có sự giám sát của thanh tra và lực lượng PA83 (An ninh chính trị nội bộ) tại thời điểm chấm thi để đảm bảo khách quan.
“Từ năm 2015 đến nay, trong tất cả bài thi trắc nghiệm được yêu cầu phúc khảo, chưa có trường hợp nào thay đổi điểm. Điều đó cho thấy chấm trắc nghiệm bằng máy đảm bảo độ chính xác cao”, ông Trinh nói.
Kết quả thi THPT quốc gia sẽ được công bố vào ngày 11/7. Sau khi nhận kết quả, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo nếu thấy điểm thi không phù hợp, chậm nhất đến ngày 20/7.
Theo VNE