fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTin tuyển sinhBa lý do nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Ba lý do nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Theo ông Đào Tuấn Đạt, không phù hợp để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, đề thi gây tác dụng ngược trong dạy và học là những lý do nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

S

au kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Đào Tuấn Đạt – giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban điều hành trường THPT Anhxtanh – đưa ra những lý do cho rằng kỳ thi THPT quốc gia không còn phù hợp. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.

Chưa thi tốt nghiệp đã biết đỗ thì thi làm gì?

Sau những “cơn mưa” điểm 10 của kỳ thi THPT năm ngoái và đề quá khó của năm nay, chúng ta thấy không có cách gì để “chuẩn hóa” được một đề thi đảm đương được cả hai vai trò vừa xét tốt nghiệp, vừa thi đại học.

Với việc ra đề quá khó và nhất là dưới hình thức thi trắc nghiệm mà tổ chức tú tài quốc tế IB khuyến cáo nên hạn chế, tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy, học năm tới và tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Tuy đề rất khó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT dự đoán cũng như mọi năm, gần 100% trên khắp mọi miền đất nước, nhưng xét về tương lai giáo dục thì thất bại hoàn toàn.

Để tốt nghiệp, học sinh chỉ cần tổng điểm trung bình lớp 12 cộng với điểm các bài thi là 10 điểm (bỏ qua điểm cộng ưu tiên và thi nghề). Ví dụ, học sinh có điểm trung bình lớp 12 là 7,5, điểm trung bình các bài thi chỉ cần 2,5 là tốt nghiệp. Vì thi trắc nghiệm 4 phương án, xác suất được 2,5 điểm là khả thi.

Nếu đã có trong tay 7,5 điểm trung bình lớp 12, việc đến phòng thi chỉ là thử độ đậm nhạt của cây bút chì và cục tẩy. Có bao nhiêu học sinh đến phòng thi với điểm trung bình 7,5 trong gần một triệu thí sinh tham gia kỳ thi này?

Giả sử một nửa trong số có điểm trung bình lớp 12 trên 7,5, các em chưa thi đã biết mình đỗ thì bắt làm bài “chủ yếu dùng để xét tốt nghiệp” làm gì? Một nửa triệu con người với tốn kém biết bao kinh phí và hao tổn sức khỏe đến phòng để quay bút chì?  

Đề thi có 50% số câu hỏi dễ và rất dễ, chỉ là thuộc bài, không cần kỹ năng tính toán, khả năng tư duy của học sinh phổ thông trung học cũng có thể làm được. Về lý thuyết, những em đó sẽ được 5 điểm. Chưa kể nửa số câu còn lại, thí sinh chọn bừa một phương án, số điểm may rủi cũng phải hơn một điểm. Vậy, học sinh có điểm trung bình 5,0 rất khó trượt tốt nghiệp. Chắc không có học sinh nào đến phòng thi với điểm trung bình dưới 5,0 cả?

Nên bỏ kỳ thi chung trong toàn quốc như hiện nay, thay vào đó là kỳ thi cuối năm nhẹ nhàng và thực chất cho lớp 12 do địa phương tự tổ chức theo quy chế chung toàn quốc.

Mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế học sinh ở địa phương đó, miễn là kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Đòi hỏi một mặt bằng chung trong toàn quốc là không thể và sẽ đẩy các địa phương chạy theo thành tích ảo.

Theo thời gian, các địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận trình độ chung của quốc gia. Khi đó, việc học mới đi dần vào thực chất chứ không phải “làm xiếc” với các con số trong những bản báo cáo thành tích mà ai cũng hiểu nó như thế nào.

May rủi khi vào đại học

Đề thi năm nay tăng vọt số câu khó và độ khó ở phần nâng cao để tránh những “cơn mưa” điểm 10 ở đề thi năm ngoái. Vì đề thi khó hơn nhiều nên có những nhận xét chủ quan là phân hóa tốt.

Chưa có phổ điểm thì chưa thể nói có phân hóa tốt hay không, chỉ chắc chắn một điều là số điểm cao sẽ giảm.

Tình huống có thể là phổ điểm ở vùng 7-8 sẽ sít nhau thay vì 9-10 như năm ngoái. Vùng tranh chấp này lại sít sao cho số phận của các em học sinh.

Vùng tranh chấp dịch chuyển từng năm như một sự may rủi với cả người ra đề và thí sinh là hệ quả của hình thức thi trắc nghiệm và việc cố ép hai kỳ thi với mục đích và chuyên môn khác hẳn nhau vào một kỳ thi.

Đề thi khiến việc dạy và học mất sáng tạo

Về chuyên môn, tôi thích đề thi tự luận môn Ngữ văn năm nay. Có người nói nó quá to tát với học sinh lớp 12 nhưng tôi không nghĩ thế. 18 tuổi, người ta còn phải nghĩ nhiều hơn và sâu hơn thế, đặc biệt là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, hơn nữa là về Tổ quốc.

Điều muốn nói ở chỗ quá trình giáo dục trước đó có dạy cho các em những vấn đề như thế hay không hay chỉ chuyện trời đất trăng sao bay lên cùng văn mẫu?

Còn đề trắc nghiệm, tôi mường tượng ra các tác giả đã phải dụng công vất vả như thế nào để tăng độ dài và khó, nhằm “tiêu diệt điểm 9, 10” và cũng vô tình tiêu diệt luôn vẻ đẹp tinh thần của Toán và các môn khoa học.

Chúng ta nói về việc phải dạy cho học sinh phát triển năng lực và sáng tạo mà lại đặt sẵn 4 cái ô buộc chọn một thì còn dạy sáng tạo ở chỗ nào? Có 4 lối đi đấy, chọn một trong 4 đi, cấm đi đường khác thì có chỗ nào để sáng tạo? Làm sao ta biết khả năng tư duy sáng tạo của một nhà khoa học tương lai, hay khả năng về âm nhạc của một cô bé có thể trở thành nhạc sĩ bằng 4 cái ô định sẵn?

Để ra đề trắc nghiệm khó thì chỉ có thể tăng tính toán lắt léo hoặc chép câu khó của tự luận và vẽ vào đó 4 cái ô đáp án chứ không thể khác được. Chính vì thế, những khái niệm, tiên đề, định lý, định luật mang ý nghĩa cốt lõi và tầm tư tưởng của Toán hay các môn khoa học không còn đất sống.

Từ đó, chúng ta có thể hình dung việc dạy và học sẽ “dị dạng” như thế nào trong thời gian tới. Có những câu hỏi rất khó nhưng không có giá trị, lại có những câu hỏi dễ nhưng mở ra vấn đề lớn lao có ích cho khoa học và cuộc sống.

Tôi thành thực chia buồn với các nhà bác học trên thế giới đã tạo ra những khái niệm đẹp đẽ của trí tuệ loài người, giờ bị nhốt trong bốn cái ô vô cảm A-B-C-D cho các cháu tì đè bằng tẩy và bút chì.

Góp ý hướng đi tuyển sinh đại học

Nên để các trường đại học hay các tổ chức Nhà nước và tư nhân thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Học sinh thi lấy chứng chỉ quốc gia theo môn học. Bài thi tiệm cận dần các bài thi chuẩn hóa của những nền giáo dục tiên tiến. Tiến tới công nhận có tính quốc tế chứng chỉ quốc gia.

Học sinh có chứng chỉ quốc gia môn học nào thì được miễn thi hết môn của kỳ thi do các địa phương tổ chức. Khuyến khích học sinh học vượt để lấy chứng chỉ quốc gia sớm. Căn cứ chứng chỉ quốc gia theo môn học và những tiêu chí khác để xét tuyển là do các trường đại học quyết định.

Việc chỉ cần chứng nhận hết môn ở địa phương và xét học bạ là quyền của các trường. Để được công nhận rộng rãi, các trung tâm sẽ phải liên tục nghiên cứu để cải tiến chất lượng đề thi và công tác tổ chức thi.

Chúng ta nên thẳng thắn một điều là không thể cố gượng ép kỳ thi quốc gia “hai trong một” như hiện nay, để rồi mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học đều thất bại. Bởi vì, đây là hai kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác nhau: Một để đánh giá học sinh có đạt chuẩn THPT hay không, một là tuyển người có kiến thức và tư duy đủ để học điều họ có thể chưa từng được học.

Và với hình thức thi trắc nghiệm, người ta lại loay hoay với câu hỏi khó vô cùng nhưng vô nghĩa, kiểu như “Người A sinh năm nào?”, mà quên mất con đường đi quan trọng hơn kết quả với mọi người học trên quả địa cầu này. Nếu ngồi trong phòng được coi thi nghiêm túc, câu hỏi “người A sinh ngày nào?”, giáo sư ra đề thi cũng khó trả lời.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular