Tuần lễ qua, sự kiện đội tuyển Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á đã truyền cảm hứng cho hàng triệu trái tim. Vậy nhưng, đó không chỉ là thể thao mà còn mang rất nhiều thông điệp ý nghĩa về giáo dục.
Thành công, nỗ lực của các chàng trai U23 làm sáng tỏ hơn lúc nào hết không phải cứ học Toán, Lý, Hóa; không phải cứ vào bằng được đại học thì mới thành công, mới có thể nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội…
Lâu nay, biết bao gia đình đổi đánh đổi, hy sinh tất cả miễn sao con phải vào bằng được đại học mà không cần biết ước mơ, sở thích của con. Vì tấm bằng đại học, rất nhiều đứa trẻ bị bố mẹ bóp nghẹt, chôn vùi những ước mơ, hoài bão.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể với năng lực riêng, đam mê riêng… Thể thao, hay cụ thể là bóng đá chỉ là một trong vô số các năng khiếu, sở trường. Vậy nhưng, môi trường giáo dục trong nhà trường hiện nay còn bó hẹp trong việc học kiến thức, nặng các môn học cơ bản. Các môn thể thao, năng khiếu bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là bị rẻ rúng. Môn Thể dục trong nhà trường chỉ tồn tại ở diện “cho có”.
Cách đây khá lâu, một nhóm học sinh THPT ở TPHCM nổi tiếng khắp cộng đồng mạng khi sản xuất một bộ phim dài tập về đời sống học trò vô cùng sinh động. Khi đó, phó hiệu trưởng nhà trường đã chua chát chia sẻ, môi trường giáo dục của chúng ta quá hạn hẹp so với năng lực của họ trò. Giáo dục nặng về kiến thức, đánh giá học sinh về điểm số, thiếu không gian có thể làm thui chột các khả năng này.
Người hâm mộ cả nước yêu mến, dành mọi tình cảm cho đội tuyển U23 không chỉ vì lần đầu tiên họ làm nên lịch sử, không chỉ vì Huy chương bạc của một giải đấu châu lục. Mà hơn thế, người hâm hộ nhìn thấy ở họ là một thế hệ cầu thủ được đào tạo một cách nghiêm túc không chỉ về chuyên môn và còn được rèn luyện một cách nghiêm túc về mọi mặt.
Trong đội tuyển, có những cầu thủ có thể trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế lưu loát bằng tiếng Anh. Các em trình diễn những trận đấu đẹp, thăng hoa chứ không cay cú hay thắng thua; ở họ là họ tinh thần thượng võ, ý chí, sự bền bỉ, dốc hết sức mình vì màu cờ sắc áo.
Người ta nghẹn lòng bởi chia sẻ của các cầu thủ: Ở đội chỉ một ngôi sao duy nhất là ngôi sao năm cánh trên áo. Hay như thủ môn Tiến Dũng, khi được hỏi về đồng môn Quang Hải, cậu đã thốt lên mình hạnh phúc vì được đá bóng cùng cùng Hải.
Chưa hết, bài học giáo dục lớn nhất từ thành tích của đội tuyển U23 phải nhắc đến là vai trò của người thầy. Không thể phủ nhận, bóng đá Việt Nam đã thay đổi tư duy, triết lý với sự dẫn dắt của ông của ông Park Hang Seo.
Chỉ vài tháng làm việc ở Việt Nam, ông thổi vào từng cầu thủ, thổi vào đội tuyển sự tự tin, biết phát huy những điểm mạnh của mình, những điểm yếu cũng được khai thác để biến thành lợi thế. Chỉ đến thời của thầy Park Hang Seo, chúng ta thấy đôi của chân của các cầu thủ Việt với nụ cười của họ, ý chí của họ tự tin theo từng vòng bóng lăn như có phép thuật, bất kể đối thủ trước mắt là ai.
Đã có vô số nhà giáo dục nhấn mạnh, giáo dục quan trọng nhất là trao cho trẻ sự tự tin vào bản thân. Thầy trò U23 Việt Nam đã chứng minh điều này một các rõ ràng và chân thực nhất. Chỉ khi tích cực, tự tin thì các năng lực của mỗi người mới được thể hiện một cách tốt nhất.
Vậy nhưng, giáo dục của chúng ta chưa thật sự coi trọng vai trò của người thầy. Và chính những người thầy chưa thấy hết giá trị của mình đối với học trò. Thay vì trao cho học sinh tự tin, cá tính, nhìn vào thế mạnh của mình thì rất nhiều giáo viên chỉ mang đến cho các em nỗi sợ hãi, tự ti, yếu đuối…
Tư duy bóng đã Việt Nam đã ít nhiều thay đổi. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, tư duy giáo dục cũng cần phải thay đổi!
Nếu có một môi trường giáo dục, rèn luyện tốt với những người thầy giỏi, chúng ta sẽ có rất nhiều những Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Thanh, Xuân Trường, Công Phượng… ở mọi lĩnh vực.