fbpx
Home Tin tuyển sinh 3 thay đổi khiến học sinh “đứng hình” của Bộ GD&ĐT trong năm học…

3 thay đổi khiến học sinh “đứng hình” của Bộ GD&ĐT trong năm học…

0

Năm học mới với nhiều đổi mới, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết tâm biến năm học này trở thành một năm học ít… “chuột bạch”?

Năm học 2016 – 2017 đã chính thức bắt đầu. Đối mặt với nhiều bất cập trong thời gian qua, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp thể hiện qua 3 thay đổi sau:

Không đổi mới mà chỉ hoàn thiện?

Trong cuộc họp báo chiều ngày 4/9/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định phương án thi năm 2017 không phải là phương án đổi mới mà chỉ là tiếp tục hoàn thiện từ phương án năm 2016.

Theo đó, trong kỳ thi năm tới, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường đại học, cao đẳng sẽ tham gia giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc… Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vẫn tiếp tục được duy trì với 2 mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, đáng chú ý là Bộ đang bàn phương án thay thế tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trong cả 5 môn chỉ có Văn là thi tự luận.

Hiện tại, Bộ đang cân nhắc 2 phương án hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ 5 môn mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và tự chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Những thay đổi bất ngờ này đã khiến dư luận, đặc biệt là các thí sinh năm 2017 hết sức lo lắng.

“Cứ ngỡ năm ngoái cải tiến đã xong, năm nay lại thay đổi. Năm học mới đến rồi mà phương án thi chưa có, vừa học vừa lo không biết sẽ thi kiểu gì? Chỉ mong Bộ ổn định cách thi để các con không phải làm… chuột bạch”, một phụ huynh lớp 12 bày tỏ.

Phương án “hoàn thiện” kỳ thi THPT quốc gia đang khiến các sĩ tử tương lai “phát sốt” (Ảnh: Minh họa)

Sửa thông tư 30

Trước thềm năm học mới, Bộ đã quyết định lấy ý kiến để sửa đổi một số điểm bất cập trong Thông tư 30 hay còn được biết đến như thông tư “đánh giá học sinh tiểu học bằng lời thay bằng điểm”. Theo đó, thông tư 30 dự kiến sẽ có 4 điểm được chỉnh sửa, bổ sung. Giáo viên sẽ không còn buộc phải ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục hàng tháng, được  chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân sao cho phù hợp. Hồ sơ đánh giá cũng sẽ “nhẹ gánh” khi chỉ có học bạ của học sinh và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp thay cho sổ theo dõi chất lượng giáo dục hiện hành.

Vào giữa và cuối mỗi học kỳ, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C để phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập tiến bộ của con em mình. Việc cho điểm số ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học vẫn giữ nguyên với các lớp 1, 2, 3. Riêng với 2 môn toán và tiếng Việt ở lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra bằng điểm số ở giữa kỳ. Để khắc phục tình trạng “loạn” giấy khen cuối năm, Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen thưởng cuối năm theo 4 mức tương ứng cho học sinh.

Trước thông tin chỉnh sửa thông tư 30, GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Các vấn đề Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ “ngao ngán” than rằng: “Nên duy trì việc chấm điểm với học sinh tiểu học. Bởi lẽ, thực chất của việc chấm điểm theo thang 10 rất tiện lợi và dễ theo dõi”.

“Khai tử” mô hình VNEN?

Trong năm học 2016 – 2017, nhiều địa phương đã quyết định xóa bỏ mô hình trường học mới (VNEN) sau 3 năm thử nghiệm. Về mặt tích cực, VNEN đã giúp học sinh tương tác tốt hơn trong lớp học, tự tin trong giao tiếp và thể hiện chính kiến, quan điểm cá nhân, tự chủ trong giờ học. Tuy nhiên, mô hình trường học mới vẫn khiến giáo viên, phụ huynh lo ngại bởi mô hình này không hiệu quả, khiến học sinh khó tiếp thu bài hơn trong điều kiện trường lớp chật chội, sĩ số quá đông.

Bởi vậy, hàng trăm phụ huynh tại một trường tiểu học ở thành phố Vinh (Nghệ An) đã kéo tới trường yêu cầu trở lại dạy học theo cách cũ vào ngày 26/8 vừa qua. Một số địa phương khác như Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng kiến nghị nên dừng mô hình trường học mới vì không phù hợp với điều kiện địa phương.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có khẳng định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức. Mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề là nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm trong thời gian qua.”

Trước những thay đổi này, nhiều học sinh, thí sinh cảm thấy vui mừng nhưng cũng không ít em lại “đứng hình” với quyết tâm thay đổi, đổi mới của Bộ.

Xem thêm:

Comments

comments