Ngày 22/8, Bộ GD&ĐT công bố danh sách các trường đại học, cao đẳng xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ ngày 21/8 – 31/8. Đây là thông tin cụ thể về chỉ tiêu xét tuyển, mức điểm, tổ hợp môn thi… để thí sinh tham khảo đăng ký.
Toàn cảnh chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đợt 1 vào các trường ĐH,CĐ xem TẠI ĐÂY
Thông tin trên được cập nhật tới 11h ngày 22/8/2016.
Mới chỉ có 62,5% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1
Theo Bộ GD&ĐT, qua tổng hợp số liệu báo cáo của các trường, đến thời điểm hiện nay số thí sinh chính thức nộp giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học khoảng 200.000. So với chỉ tiêu các trường đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 320.000, tỷ lệ TS chính thức trúng tuyển đợt 1 theo số liệu đến nay là 62,5%. Có 40 trường ĐH tuyển đạt từ 80% chỉ tiêu trở lên và 87 trường tuyển đạt từ 60% trở lên.
Trước thực trạng các trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu tiên đang hoang mang lo lắng liệu đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo có tuyển đủ thí sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Do đó, nguồn tuyển còn rất nhiều.
Về giải pháp tình trạng thí sinh “ảo” hiện nay, bà Phụng cho rằng, các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Để nâng cao chất lượng thì phải hạn chế tối đa việc tăng qui mô.
Hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững; chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.
“Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định” – bà Phụng cho hay.
Theo Dân trí