Sau khi thông tin kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ không phục vụ mục đích 2 trong 1 như các năm trước mà sẽ tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp. Vậy các trường đại học sẽ xét tuyển như thế nào?
Phát biểu trong phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia từ năm tới sẽ phục vụ cho tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đề thi THPT Quốc gia 2019 sẽ bám sát hơn với THPT nhưng vẫn tổ chức thực chất để các trường ĐH, CĐ có căn cứ xét tuyển nếu muốn. Khi đó, các trường có thể dùng nhiều phương thức khác để tuyển người học chứ không chỉ có kết quả thi này là kênh tuyển sinh duy nhất.
Từ thông tin này, nhiều trường Đại học dự kiến sẽ có thêm phương thức tuyển sinh mới cho năm 2019. Đại học Quốc gia TPHCM tăng chỉ tiêu thi năng lực PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết dự kiến ĐH này vẫn giữ tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh nhất định để xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nếu kỳ thi này tăng hàm lượng phần xét tốt nghiệp trong đề thi thì ĐH này sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác như: kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tự tổ chức và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT trong toàn quốc. Vẫn dùng kết quả thi của Bộ Trong khi đó, có những trường cho biết vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết năm tới trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh như năm nay, trong đó có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Lý giải việc này, tiến sĩ Hồng cho rằng đề thi dù bám sát hơn với xét tốt nghiệp cũng không mâu thuẫn với việc phân loại thí sinh trong tuyển sinh. Xét tốt nghiệp thì đề thi cũng sẽ có phần phân loại học sinh. Vấn đề là trường xét người học trong khoảng nào để tuyển được người học có năng lực phù hợp theo các ngành nghề. Cũng theo tiến sĩ Hồng, nhà trường đã thí điểm triển khai một số hình thức tuyển sinh khác như: xét tuyển học bạ, tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, THPT thực hành, năng khiếu… Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường dự kiến vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh cho năm tới. Cụ thể gồm: xét tuyển kết quả thi, ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên và học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Lý giải việc tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này, ông Dũng phân tích: “Việc thay đổi liên tục phương thức tuyển sinh sẽ tội thí sinh. Hơn nữa, nếu kỳ thi thay đổi theo hướng bám sát xét tốt nghiệp, đề dễ hơn thì điểm trúng tuyển sẽ cao hơn”. Thông tin thêm, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 được tổ chức sớm hơn, dự kiến trước kỳ thi THPT quốc gia. “Kết cấu đề thi dự kiến giữ ổn định như năm nay và sẽ công bố đề thi mẫu để thí sinh tham khảo”, ông Chính nói. Thêm tiêu chí năng lực tiếng Anh Trong khi đó, một số trường ĐH lớn cho biết sẽ bổ sung các phương thức tuyển sinh mới theo cách riêng của mình. Đáng chú ý là sự xuất hiện của tiêu chí đánh giá người học dựa vào năng lực ngoại ngữ. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trường sẽ đợi thông báo chính thức của Bộ mới tính đến việc sử dụng kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh năm sau như thế nào. Tuy nhiên theo ông Khôi, ngay trong đề án tuyển sinh năm 2018, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã dự kiến sẽ bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới trong năm 2019. Cụ thể là xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và tổng điểm thi 3 môn (toán, hóa, sinh). Phương thức mới này chiếm không quá 25% chỉ tiêu mỗi ngành và tổng chỉ tiêu trường. PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng thông tin năm tới trường muốn xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Trong đó, kết quả kỳ thi quốc gia chỉ là một tiêu chí xét tuyển. Các tiêu chí khác có thể là kết quả học tập bậc THPT, năng lực tiếng Anh… Trong đó ở từng tiêu chí, trường sẽ phân tích cụ thể để đưa ra phương án phù hợp. Ví dụ, xét kết quả học bạ THPT thì sẽ phải xét trên bao nhiêu năm, điểm số tối thiểu bao nhiêu… Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường dự kiến xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này (khoảng 60% điểm trúng tuyển) kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT (khoảng 40% điểm trúng tuyển). Ngoài ra, có thể trường sẽ liên hệ được sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để xét tuyển thêm. |