fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Sử 5 bí quyết học nhanh và nhớ lâu để thi trắc nghiệm môn Lịch sử

5 bí quyết học nhanh và nhớ lâu để thi trắc nghiệm môn Lịch sử

0

Với kinh nghiệm và tâm huyết của người thầy sau hơn 20 dạy Lịch sử, Th.s Trần Trung Hiếu – GV trường THPT Chuyên Phan Bộ Châu (Nghệ An) đã chia sẻ với các em HS 5 bí quyết học thuộc nhanh và nhớ lâu môn Lịch sử.

e6c22170-559f-4a81-aad1-823431fc4018_BKRU

Năm 2017 là kỳ thi đầu tiên thực hiện hình thức thi trắc nghiệm 100% môn Lịch sử nên tâm lý của học sinh thường lo lắng, phân tâm. Th.s Trần Trung Hiếu – GV trường THPT Chuyên Phan Bộ Châu (Nghệ An) cho rằng học sinh (HS) không nên quá lo lắng, thi trắc nghiệm suy cho cùng cũng chỉ như là một “cái thước” để đo, chẳng qua là thay cái thước dài bằng một loại thước khác mà thôi. Kiến thức học để thi môn Lịch sử vẫn như thế, vẫn là trong chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 12 hiện hành.

Với kinh nghiệm và tâm huyết của người thầy sau hơn 20 dạy Lịch sử, Th.s Trần Trung Hiếu đã chia sẻ với các em HS 5 bí quyết học thuộc nhanh và nhớ lâu môn Lịch sử.

Nắm chắc cấu trúc và chương trình cơ bản của đề thi

Từ các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố, điều tối quan trọng đầu tiên mà HS cần biết và hiểu là kiến thức các câu hỏi đề thi trắc nghiệm rải đều tất cả các phần, các chương của chương trình SGK Lịch sử lớp 12 hiện hành. Các câu hỏi sẽ có các cấp độ từ nhận biết kiến thức đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo “ma trận đề” của Bộ. Số lượng kiến thức của phần lịch sử thế giới là 30% và lịch sử Việt Nam là 70%. Mức độ phân bố câu hỏi từ “nhận biết kiến thức”, “thông hiểu”, “vận dụng”, “vận dụng cao” sẽ dao động là 60%, 20%, 10%, 10%. Đề thi sẽ có sự phân hóa từ thấp đến cao, từ dễ đến khó đảm bảo về cơ bản các mức độ sau:

Mức độ biết: là những câu hỏi đơn giản mang tính chất tái hiện kiến thức lịch sử như sự kiện, thời gian, không gian, nhân vật…

Mức độ hiểu: là những câu hỏi yêu cầu HS phải lý giải, phân tích, chứng minh được các vấn đề lịch sử dùng để đánh giá năng lực HS ở mức độ cao hơn.

Mức độ vận dụng (bao gồm vận dụng và vận dụng cao): là những câu hỏi yêu cầu HS phải đưa ra những nhận xét, đánh giá; vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết một nhiệm vụ hoặc một vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là nhóm câu hỏi khó nhất và phân loại, phân hóa học sinh cao nhất.

Nắm vững những kiến thức căn bản SGK

HS cần nắm chắc những kiến thức cơ bản trong SGK Lịch sử lớp 12 hiện hành của Bộ GD&ĐT theo cấu trúc và trình tự thời gian của lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến 2000 và lịch sử Việt Nam từ 1919 đến năm 2000.

Từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, hãy học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vẫn đề. Tất cả những kiến thức, những vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi nhất, nổi bật nhất đều hiện hữu trong các bài Tổng kết và đa phần giáo viên, HS không để ý.

Học tập bằng kỹ năng khái quát hóa, hệ thống hóa kiến thức

Ở phần lịch sử thế giới, các em nên học và ôn theo từng vấn đề, chuyên đề với 6 nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới từ 1945 đến 2000: Trật tự thế giới hai cực Ianta; sự hình thành, phát triển và khủng hoảng, sụp đổ của hệ thống CNXH của Liên Xô, Đông Âu; phong trào giải phóng dân tộc Á – Phi – Mỹ La tinh; những chuyển biến quan trọng của CNTB sau Đại chiến 2; sự mở rộng và đa dạng của quan hệ quốc tế nửa sau thế kỷ XX; sự bùng nổ của cách mạng khoa học – kỹ thuật sau Đại chiến 2 và cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay.

Ở phần lịch sử Việt Nam, HS học theo từng giai đoạn lịch sử trong một quá trình liên tục của các sự kiện lớn theo trình tự thời gian từ 1919 đến 2000 (1919-1930, 1930-1945, 1945-1946, 1946-1954, 1954-1975, 1975 – 2000). Mỗi sự mở đầu của từng giai đoạn đều được bắt đầu những sự kiện lớn đánh dấu một thời kỳ phát triển của dân tộc trong những bối cảnh lịch sử khác nhau. HS cần nắm vững nội dung, nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn từ đó rút ra mối quan hệ tương tác, biện chứng của từng giai đoạn gắn liền với từng nhiệm vụ cụ thể. Hoàn cảnh lịch sử thay đổi, đối tượng đấu tranh thay đổi thì chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh, hình thức đấu tranh cũng thay đổi.

Tuy nhiên, ngoài những nội dung cốt lõi đó, HS khi học và thi trắc nghiệm môn Sử năm 2017 cần có thêm một số kiến thức cập nhật của thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây khi phải bắt gặp một số câu hỏi rèn luyện kỹ năng vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt là phải biết xâu chuỗi các sự kiện và tìm ra mối liên hệ tương tác và biện chứng giữa hai phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để tìm ra nét tương đồng và điểm khác biệt, biết so sánh hơn và hơn nhất giữa các vấn đề, sự kiện lịch sử.

Rèn luyện kỹ năng ôn kiến thức cơ bản bằng “sơ đồ tư duy”

Đặc thù của môn Sử là hiện hữu nhiều mốc sự kiện, không gian, thời gian nên các em nên hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn.

Trong quá trình giảng dạy, tùy vào nội dung và tính chất của từng bài giảng, sau mỗi bài học, mỗi chương, mỗi giai đoạn giáo viên có thể định hướng, hướng dẫn HS làm “sơ đồ tư duy” dựa trên nguyên lý từ “cây” đến “cành” đến “nhánh”, từ ý lớn sang ý nhỏ theo phương pháp “diễn dịch”: luận điểm, luận cứ, luận chứng.

Từ những kiến thức, sự kiện, vấn đề cơ bản của từng bài, từng chương, từng phần trong SGK hiện hành, thông qua sơ đồ tư duy, các em sẽ tự biết cách tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức theo trình tự, trật tự kiến thức và lý giải các mối quan hệ tác động biện chứng, nhân quả giữa các vấn đề, sự kiện. Từ đó HS sẽ thấy các bài học sẽ trở nên ngắn gọn hơn, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Lúc đó, kỹ năng tự học của các em sẽ trở nên bớt nhàm chán khi tự học ở nhà.

Tự ôn luyện ở nhà

Sau khi học xong từng bài, từng chương, từng phần trong chương trình “giảm tải” của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở tham khảo các tài liệu hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm hiện hành và với sự hướng dẫn của giáo viên Sử, các em nên tập làm các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến bài đó. Tự mình làm các câu hỏi là một cách ôn kiến thức và luyện kỹ năng nhuần nhuyễn, tập làm quen với nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan để giúp các em chuẩn bị tâm lý, tinh thần vững vàng và tự tin khi vào phòng thi và làm bài thi.

Comments

comments