fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Lý 4 mẹo xử lý nhanh câu hỏi Vật lý thi THPT quốc gia

4 mẹo xử lý nhanh câu hỏi Vật lý thi THPT quốc gia

0

Đề Vật lý thường dài, nhiều dữ liệu, tốn thời gian đọc hiểu, do đó 40 câu hỏi hoàn thành trong 50 phút là áp lực lớn với thí sinh.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Vật lý sẽ là môn thành phần trong tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên. Đề gồm 40 câu trắc nghiệm, thời gian 50 phút. Đây là áp lực không hề nhỏ cho thí sinh bởi đề Vật lý thường dài, nhiều dữ liệu, tốn thời gian đọc hiểu.

Thầy giáo Đỗ Ngọc Hà (Viện Vật lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sẽ bật mí 4 mẹo xử lý câu hỏi trong 75 giây của môn thi này.

1. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Đề thi Vật lý có khoảng 24 câu mức độ dễ, bao gồm lý thuyết dễ – trung bình và những bài tập có thể tìm đáp án sau khoảng 1-2 bước làm. Vì vậy, khi nhận được đề, học sinh làm lần lượt 24 câu đầu tiên trong khoảng 10-12 phút.

16 câu còn lại có mức độ kiến thức từ trung bình đến khó, được sắp xếp xen kẽ. Học sinh nên đọc lướt toàn bộ rồi chọn ra những câu trong khả năng của mình để làm trước. Còn thời gian, thí sinh quay lại giải quyết câu hỏi khó.

2. Đọc ngược câu hỏi

Nhiều bài tập trong đề thi môn Vật lý rất dài, có dữ liệu lớn khiến học sinh hoang mang, mất khá nhiều thời gian đọc hiểu. Với những câu này, thí sinh nên áp dụng kỹ năng đọc ngược để xác định nhanh yêu cầu của đề là gì. Câu hỏi này thường được đưa ra ở ý cuối cùng của đề.

Bám sát yêu cầu đó, thí sinh sàng lọc dữ liệu được đưa ra ở phía trên rồi xây dựng hướng làm bài. Phương pháp này sẽ giúp học sinh hiểu đúng, trúng, nhanh yêu cầu của đề và tiết kiệm thời gian giải hơn.

3. Đánh giá mức độ tin tưởng của đáp án

Thời gian trung bình để hoàn thành một câu hỏi trắc nghiệm Vật lý là 75 giây. Với một số bài tập, học sinh cần có kỹ năng làm bài nhanh để rút ngắn thời gian, trong đó có kỹ năng đánh giá mức độ tin tưởng của các đáp án. Để làm được điều này, thí sinh cần nắm chắc bản chất lý thuyết để biết được khoảng giá trị ở các đại lượng được hỏi, từ đó đánh giá mức độ đúng/sai/tin tưởng của đáp án.

Ví dụ, đề thi đại học năm 2012 hỏi: Biết công thoát electron của các kim loại canxi, kali, bạc và đồng lần lượt là: 2,89eV; 2,26eV; 4,78eV va 4,14eV. Chiếu ánh sáng có bước sóng 0,33µm vào bề mặt các kim loại trên.

Hiện tượng quang điện không xảy ra với các kim loại nào sau đây:

A. Canxi và bạc;
B. Kali và đồng;
C. Kali và canxi;
D. Bạc và đồng

Với đề này, theo cách bình thường, học sinh sẽ đi tính năng lượng phôton của bức xạ chiếu vào sau đó so sánh với các công thoát của các kim loại để tìm ra đáp án. Điều này sẽ mất khoảng 1 phút 30 giây.

Tuy nhiên, thí sinh có thể chọn được rất nhanh đáp án chính xác, khi sử dụng phương pháp loại trừ, nếu nắm chắc lý thuyết. Ở đây, các kim loại bạc, đồng, kẽm, nhôm… có giới hạn quang điện nằm ở khu vực tử ngoại, còn các kim loại kiềm – kiềm thổ (canxi, kali..) có giới hạn quang điện nằm ở khu vực ánh sáng nhìn thấy. Khi chúng ta chiếu một ánh sáng có bước sóng 0,33µm – là bước sóng khu vực tử ngoại sẽ gây ra hiện tượng quang điện ngoài đối với các kim loại kiềm, kiềm thổ (đó là canxi, kali). Do đó, chúng ta loại được đáp án A, B, C do có chứa canxi và kali. Đáp án chính xác còn lại là D, nhanh chóng được tìm ra.

Ví dụ trên càng khẳng định được vai trò quan trọng của việc học, hiểu lý thuyết trong sách giáo khoa. Việc nắm vững lý thuyết không chỉ giúp học sinh làm tốt câu hỏi lý thuyết mà còn giải quyết rất nhanh chóng bài tập.

4. Nháp khoa học

Đối với những câu hỏi bài tập trung bình, chỉ có 2-3 phép tính, chúng ta nên nháp trực tiếp vào đề. Nhưng những bài tập phức tạp hơn, học sinh nên nháp ra ngoài một cách rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc. Quá trình này, học sinh sẽ ghi lại được những đại lượng đã tìm ra để nếu vì bài quá khó, thí sinh tạm bỏ qua và làm bài tập khác, thì khi quay lại giải quyết, các em sẽ không cần tính lại những đại lượng này. Đây là điều ít học sinh chú ý.

Đỗ Ngọc Hà
Hệ thống Giáo dục Hocmai

Comments

comments