fbpx
Home Tin tuyển sinh Xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1,5 mét trở lên: ‘Ngành giáo dục cần tài đức hay diện mạo?’

Xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1,5 mét trở lên: ‘Ngành giáo dục cần tài đức hay diện mạo?’

0
Xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1,5 mét trở lên: ‘Ngành giáo dục cần tài đức hay diện mạo?’

Sau khi ĐH Sư phạm TP HCM vừa công bố điều kiện xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên phải cao từ 1,5 mét trở lên đã gây ra nhiều tranh cãi, phản đối, đặc biệt là đối với các thí sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2019.

Mới đây, ĐH Sư phạm TP HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2019hệ chính qui. Trong đó, các ngành đào tạo giáo viên có điều kiện xét tuyển tối thiểu riêng.

Theo đó, nam phải cao từ 1,55 mét trở lên và nữ cao từ 1,5 mét trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, thí sinh nam phải cao từ 1,65 mét, nặng 50 kg trở lên, thí sinh nữ phải cao từ 1,55 mét, nặng 45 kg trở lên.

Sau khi qui định điều kiện xét tuyển về chiều cao với ngành đào tạo giáo viên được công bố đã gặp phải sự phản đối của nhiều người đặc biệt các thí sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2019.

Em Nguyễn Thị Mai Phương (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Nam Định) bất bình: “Từ khi nào chiều cao trở thành thước đo tri thức vậy? Dưới 1,5 mét không có tư cách làm giáo viên sao?”

Bạn Kim Oanh (học sinh lớp 12, THPT Nam Duyên Hà, Thái Bình) cho biết quan điểm: “Dù thấp hay cao thì cũng làm giáo viên được mà, chứ đâu phải tuyển người mẫu hay hoa hậu đâu mà cần chiều cao. Cao hay thấp không quan trọng, mình nghĩ chỉ cần dạy tốt cho học sinh, truyền đạt kiến thức cho các em mới là điều quan trọng chứ. Hết muốn thi sư phạm luôn rồi!”

“Ngành giáo dục cần tài đức hay diện mạo đây? Mình không thi sư phạm nhưng thấy qui định này thật bất công cho các bạn muốn học ngành này”, đó là câu hỏi của bạn Hoàng Thắng (học sinh tại Tây Ninh) khi nhận được thông tin này.

Phạm Thị Thủy (học sinh tại TP HCM) chia sẻ: “Gia đình em có truyền thống trong ngành sư phạm. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến ngăn cản khi em có ý định nối nghiệp gia đình. Em yêu thích công việc là một giáo viên mầm non từ lúc còn bé và đang phân vân rất nhiều. Thế nhưng, sau khi đọc được thông tin này em sẽ tìm một lựa chọn khác phù hợp hơn mặc dù chiều cao của em trên 1,5 m”.

Nữ sinh Mai Ngọc (học sinh tại Đồng Nai) chia sẻ: “Em từng học qua nhiều giáo viên thấp bé, nhẹ cân. Nhưng có những người dạy học rất hay và nhiệt huyết. Kiến thức của thầy cô sâu và cách truyền đạt dễ hiểu, thu hút học sinh. Cũng có những giáo viên cao và xinh đẹp nhưng tiết học lại vô cùng nhàm chán. Vậy tiêu chuẩn về ngoại hình này bọn em có lợi không?”.

Tuy nhiên, bạn Huỳnh Thanh Phú (học sinh TP HCM) có quan điểm khác: “Mình nghĩ qui định về tự chủ đại học họ có quyền chọn lọc những người phù hợp. Cũng giống như tuyển chọn vào ngành công an hay quân đội thôi.

Tuyển sinh vào đại học cả vài trăm trường, vài trăm ngành và cả mấy trăm ngàn chỉ tiêu chứ đâu phải có vài nghìn chỉ tiêu vào trường này, chưa kể vào ngành sư phạm của các trường khác nữa. Nên tiêu chuẩn của mỗi trường một khác là điều bình thường”.

Thầy Nguyễn Kim Hải (giáo viên THCS tại TP HCM) kiến nghị: “Cần rút lại qui định này. Bởi người thầy tác động đến học trò bằng nhân cách, kiến thức, phương pháp sư phạm chứ không phải bằng hình thể.

Bằng việc qui định chiều cao, cân nặng, trường đã giới hạn cơ hội của những thí sinh thấp bé dù cho họ có hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành một nhà giáo. Đâu nhất thiết phải qui định học sư phạm phải có chiều cao trên 1,5 mét mới là giáo viên được?”, thầy Hải cho hay.

Comments

comments