Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 là hơn 886 nghìn, trong đó, 653 nghìn em đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học.
Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội (KHXH) để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2019 là 468 nghìn, chiếm 52,83%.
Số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) có gần 302 nghìn, chiếm 34,07% tổng số thí sinh. Hơn 27 nghìn thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp.
Như vậy, số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH năm 2019 áp đảo so với thí sinh chọn bài thi KHTN.
Thực tế cho thấy trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH luôn nhỉnh hơn so với bài thi KHTN và có xu hướng tăng dần. Cụ thể, nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi KHXH thì năm 2018, tỷ lệ này là 48%; năm 2019 là gần 53%, áp đảo so với 34,07% thí sinh lựa chọn bài thi KHTN.
Ngay tại Hà Nội, số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH tại một số trường THPT cũng đang áp đảo.
Tại trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), 235 trong tổng số 420 học sinh dự thi lựa chọn tổ hợp KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân), 180 em đăng ký dự thi môn KHTN và 14 em đăng ký cả hai tổ hợp.
Số lượng học sinh lựa chọn môn thi KHXH được đại diện nhà trường khẳng định là cao hơn so với năm ngoái. Tương tự, tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong số 525 học sinh dự thi, gần 400 học sinh chọn tổ hợp KHXH, chiếm 75,6%.
Đặc biệt, kết quả khảo sát đối với học sinh khối 10 và khối 11 của nhà trường cũng cho thấy trên 70% học sinh cho biết sẽ chọn bài thi KHXH. Tại trường THCS& THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH cũng cao hơn so với thí sinh chọn bài thi KHTN.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho biết việc nhiều thí sinh lựa chọn bài thi KHXH chủ yếu là do theo nhìn nhận của nhiều thí sinh thì các môn thi của bài thi KHXH là Sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án.
Do vậy, những học sinh chưa thật sự vững về kiến thức các môn KHTN thường có xu hướng chọn bài thi KHXH để “thoát” điểm liệt để đạt được mục đích tốt nghiệp.
Hơn nữa, việc lựa chọn bài thi KHXH cũng sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để đầu tư vào các môn mà các em lựa chọn để xét tuyển đại học như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.
Theo bà Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thí sinh đăng ký bài thi KHXH nhiều không hẳn do các em thích các môn học này mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT, việc xét tuyển đại học các em sẽ dùng tổ hợp môn thi khác để giảm áp lực ôn tập.
Ngoài ra, một lý do khác khiến tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHXH tăng so với các năm trước là vì năm nay, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp. Trong đó, điểm thi chiếm tỷ trọng 75% và điểm học bạ chiếm 25% nên thí sinh cũng phải tính toán để đảm bảo an toàn cho mục tiêu tốt nghiệp.
Theo phân tích của một số giáo viên có nhiều năm ôn tập cho học sinh lớp 12, nếu nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia các năm trước, việc nhiều học sinh lựa chọn môn KHXH cũng là lựa chọn thực tế và thông minh.
Theo phổ điểm thi năm 2018, mặc dù môn Lịch sử vẫn là môn có điểm thi khá thấp với trên 83% bài thi dưới điểm trung bình, điểm trung bình môn sử chỉ có 3,79 điểm. Tuy nhiên, điểm môn giáo dục công dân lại rất khả quan, với 95% bài thi trên điểm trung bình.
Đặc biệt, điểm thi môn Giáo dục công dân có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,5 điểm. Tương tự, 69% số bài thi môn địa đạt từ 5 điểm trở lên, với điểm trung bình là 5,25 điểm. Do vậy, nếu cộng điểm thành phần ba môn Lịch sử – Địa lý – Giáo dục công dân, điểm bài thi của thí sinh vẫn bảo đảm đủ điều kiện xét tốt nghiệp do điểm môn Giáo dục công dân, môn Địa lý gánh đỡ được cho môn Lịch sử.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết nguyên nhân chủ yếu có thể là do học sinh ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp trước nên các em có xu hướng chọn bài thi KHXH nhiều hơn.