1. Tác giả
Tố Hữu sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế và mất năm 2002 tại Hà Nội Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.
Tố Hữu sinh ra trong gia đình nhà Nho, từ năm 6 tuổi đã học làm thơ. Đến giữa những năm 30, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc vận động dân chủ năm 1936-1939, Tô Hữu lãnh đạo đoàn thanh niên dân chủ ở Huế. Thơ của Tố Hữu bắt đầu xuất hiện trên báo vào các năm 1937-1938. Năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng, ông trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng trở thành một nhà thơ lớn của dân tộc.
Tố Hữu đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài thơ có giá trị. Ở Tố Hữu có sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Thơ của ông chan chứa tình yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cách mạng. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể ra như tập thơ Từ ấy (1946), tập thơ Việt Bắc (1954), tập thơ Gió Lộng (1961), tập thơ Ra trận (1972), tiểu luận Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta (1973), tập thơ Máu và Hoa (1977), tiểu luận Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981), tập thơ Một tiếng đờn (1992), hồi kí Nhớ lại một thời (2000)…
Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Tố Hữu đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng khác nhau: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 -1955), Giải thưởng văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
2. Tác phẩm
Tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946) là chặng đường thơ đầu tiên trong đời thơ Tố Hữu, gắn liền với quá trình vận động của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Tập thơ gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng.
Đây là tiếng ca vui tươi, trong trẻo, hân hoan, nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khao khát lẽ sống đã bắt gặp ánh sáng lí tưởng, đồng thời tập thơ cũng giàu chất lãng mạn, trong trẻo, sôi nổi trẻ trung của một cái tôi trữ tình, mới mẻ cách mạng.
Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đó là một bước ngoặt vĩ đại trong cuộc dời cách mạng của Tố Hữu. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc và suy tư sâu sắc, Tố Hữu viết thơ Từ ấy. Bài thơ nằm trong phần Máu lửa của tập Từ ấy (tập thơ gồm ba phần Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng)