fbpx
Home Giải bài tập Lớp 11 Văn mẫu lớp 11 Văn mẫu tập 1: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Văn mẫu tập 1: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

0

Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Bài làm

Vũ Trọng Phụng là cây bút bậc thầy của nghệ thuật trào phúng. Vốn sẵn cái tài tình, cái sắc lạnh của một ông vua phóng sự Bắc kì, ông dường như được thỏa sức trong thế giới nghệ thuật ấy. Và Số đỏ là một minh chứng cho những sáng tạo không mệt mỏi của ông. Tác phẩm là đỉnh cao trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng, mà trong đó nếu coi thiên truyện là một màn đại hài kịch về xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám 1945 thì chương truyện thứ XV, với cái tên độc đáo Hạnh phúc của một tang gia là một màn hài kịch đặc sắc nhất. Ở đó, tất thảy những giá trị của nghệ thuật trào phúng được nhà văn thể hiện một cách xuất sắc nhất.

Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong đời sống xã hội. Nó được biểu hiện qua việc xây dựng những mâu thuẫn trào phúng, nhân vật trào phúng, cảnh tượng trào phúng, ngôn ngữ trào phúng, giọng điệu trào phúng… Trong tác phẩm Số đỏ nói chung và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia nói riêng, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tạo nên chất trào phúng dựa trên những yếu tố đó, thậm chí còn đạt đến đỉnh cao.

Trong chương truyện Hạnh phúc của một tang gia, mâu thuẫn trào phúng được thể hiện qua nhan đề và tình huống trào phúng. Chắc hẳn người đọc không khỏi bất ngờ, tò mò và buồn cười vì cái tên chương truyện có một không hai này. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc sung sướng, vui mừng khi đạt được điều mình mong muốn, còn tang gia là thời khắc đau buồn, xót thương vì trong gia đình có người thân qua đời. Hai thứ vốn hoàn toàn đối lập, không thể đi liền với nhau, vậy mà giờ đây nó lại còn được đặt trong mối quan hệ sở hữu qua từ của. Trong tang gia lại có hạnh phúc, hay hạnh phúc xuất phát từ tang gia. Điều này thật nghịch lý, trớ trêu và quá hài hước. Nhưng đó lại là sự thật và không hề vô lý chút nào, khi câu văn mở đầu cho chương truyện được cất lên: Ba hôm sau cụ già chết thật. Người chết theo quy luật sinh lão bệnh tử cũng là lẽ thường tình. Vậy mà sao nhà văn lại dùng từ thật? Nghĩa là cụ già ấy đã từng chết giả? Nghe thật nực cười, nhưng đúng là như vậy, sau nhiều lần ốm thập tử nhất sinh, đám con cháu trong gia đình lo toan hết ông lang băm đến ông lang tây, thuốc nọ thuốc kia… mà cuối cùng ông cụ vẫn chưa chết. Bởi chúng đang mong ngóng từng ngày cụ từ giã cõi đời để còn được chia chác cái gia tài kếch xù. Vậy nên chúng vô cùng bất ngờ và mừng rỡ vì hôm nay cụ chết thật sau ba ngày chạy chữa. Cái chết ấy làm cho nhiều kẻ sung sướng lắm! Nhan đề và tình huống ấy đã tạo nên cái chất trào phúng vô cùng độc đáo. Người thân lại vui mừng, phấn khởi khi trong nhà có tang!

Và thế là bao nhiêu bộ mặt giả dối của đám con cháu trong gia đình thượng lưu bậc nhất đất Hà thành ấy được nhà văn khắc họa đầy mỉa mai, châm biếm trong đám tang của cụ cố tổ. Mở màn là cụ cố Hồng – con giai nhớn của người mất. Ở địa vị này, ông ta phải là người đau buồn nhất, vì người cha đã không còn. Ông tỏ ra “buồn đau” thật khi mơ màng nghĩ đến cảnh tượng mặc đồ xô gai, miệng ho khạc, mếu máo, được dân tình bàn tán: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”. Trong cơn bối rối vì cha mất, ông không thể kiềm chế được mà hút đến sáu mươi điếu thuốc phiện, nói một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu: “Biết rồi khổ lắm nói mãi”. Kẻ luôn tự nhận “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí” ấy thực chất chả biết cái gì. Ngày cha mất, ông ta hiện ra nguyên hình chân tướng của một kẻ háo danh, bất hiếu. Tiếp đến là ông Văn Minh, con trai cụ cố Hồng và là cháu trưởng của người mất. Cái vẻ đăm đăm chiêu chiêu rất hợp với gia đình có tang ấy lại không phải là nỗi buồn, mà Văn Minh còn bao nhiêu nỗi bối rối cần giải quyết. Ông ta sốt ruột vì sao luật sư còn chưa đến để chuyển cái chúc thư kia từ thời kì lý thuyết sang thực hành. Ông ta băn khoăn vì không biết xử trí thế nào với Xuân Tóc Đỏ kẻ có hai cái tội nhỏ là tố cáo tội hoang dâm của một người em gái ông và quyến rũ một người em gái khác của ông nhưng lại có một cái ơn to vì câu nói: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng” khiến cho ông cụ chết thật. Đám con cháu còn lại kẻ thì sốt ruột, la ó như bà Văn Minh vì chưa được phát tang để trưng diện những mốt tang phục của tiệm may Âu Hóa, kẻ thì phát điên người lên như cậu Tú Tân vì chưa được sử dụng những chiếc máy ảnh, kẻ thì buồn lãng mạn như cô Tuyết trong bộ dạng thất thần với bộ cánh Ngây thơ hở hang nhưng là mong ngóng người tình Xuân Tóc Đỏ mãi không đến, kẻ thì vô liêm sỉ đến mức tự hào vì cái sừng hươu vô hình trên đấu lại đáng giá vài nghìn bạc như ông Phán mọc sừng… Ai cũng có nỗi buồn riêng mà thành ra lại hợp mốt với nhà có tang. Nhưng rõ ràng Vũ Trọng Phụng đã dùng ngòi bút trào phúng đầy mỉa mai của mình để lột tả cái bản chất tàn nhẫn, bất hiếu, vô đạo đức bên trong được che lấp bởi cái vỏ bên ngoài quá giả tạo. Chân dung những kẻ trong gia đình thượng lưu ấy đã góp phần quan trọng làm cho nghệ thuật trào phúng của chương truyện thành công.

Chưa dừng lại ở đó, ngòi bút trào phúng của nhà văn như con dao sắc lạnh, nó còn lia xa hơn, rộng hơn. Không chỉ những đám con cháu trong tang quyến, mà cả những người đến dự cũng được miêu tả một cách đầy mỉa mai. Có hai tên cảnh sát Min Đơ và Min Toa lại sướng điên người vì được thuê giữ trật tự đám ma khi đang thất nghiệp. Có ông Typn nhà thiết kế tiệm may Âu hóa bực bội vì sự chậm chễ trong việc phát tang khiến những bộ sưu tập tang phục của ông chưa được ra mắt công chúng. Có đám bạn ông cụ cố Hồng đầy những râu, những huân huy chương và cũng đầy xao xuyến, não nùng như điệu nhạc Xuân Nữ khi nhìn thấy làn da trắng thập thò dưới cánh tay và ngực cô Tuyết. Có sư cụ Tăng Phú xuất hiện như một ngôi sao đầy kiêu hãnh vì vừa lật đổ được hội phật giáo, đi cùng với cố vấn báo Gõ Mõ là Xuân Tóc Đỏ – kẻ gây ra cái chết của cụ cố tổ lại được đón tiếp nồng hậu. Cả đám giai thanh gái lịch bạn cô Tuyết đi dự đám tang như đi trẩy hội, tán tỉnh, chọc ghẹo… nhau một cách hồn nhiên. Tuy miêu tả nhiều nhân vật, nhưng nhà văn Vũ Trọng Phụng dường như không bỏ sót một nhân vật nào. Ai cũng hiện lên với những nét chân dung điển hình nhất. Điều ấy vừa cho thấy cái tài của nhà văn vừa thể hiện sức phản ánh hiện thực mạnh mẽ của tác phẩm. Không chỉ đám con cháu trong gia đình mà đến những kẻ ngoài xã hội cũng cùng một ruộc. Tất cả bọn chúng tạo nên một xã hội dị hợm, nhố nhăng, đồi bại, vô đạo đức mà nhà văn gọi là cải cách, văn minh, Âu hóa. Ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng vì thế mà có sức công phá mạnh mẽ.

Song có lẽ đọc chương Hạnh phúc của một tang gia, ngoài những chân dung biếm họa trên, người đọc chắc hẳn không thể quên cảnh tượng trào phúng mà tác giả dựng lên. Mơ ước của con trai cụ cố tổ là cụ cố Hồng sẽ phải làm một đám ma thật to tát, một đám ma gương mẫu, một đám ma danh giá nhất bậc Hà thành. Chính vì vậy cảnh tượng đám ma trong tác phẩm là một trong những thành công xuất sắc của nghệ thuật trào phúng mà nhà văn đã dụng công miêu tả. Trước hết là cảnh đám tang. Có lẽ do sự mong ngóng từ lâu nên nó đã được chuẩn bị kĩ lưỡng. Từ tang phục đến đồ vật, phụ kiện cho tang lễ đều chuẩn bị hoành tráng, chu đáo và tươm tất. Chỉ cần nhìn bộ đồ đám tang cô Tuyết mặc là đủ biết nó được thiết kế “cầu kỳ, tinh xảo” đến mức như thế nào, mà cả gia đình ấy đều hứng khởi, vui mừng. Đồ vật chuẩn bị cho đám tang thì không đám nào có thể bì được. Kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, có đủ các loại kèn Ta, Tây, Tàu, có đến ba trăm vòng hoa… Đoàn người đi đưa đám kéo dài cả mấy con phố. Không khí của đám tang cũng đặc biệt. Không tiếng khóc, không lời xót thương, không giọt nước mắt nào nhưng lại đầy rẫy sự ồn ào, hỗn loạn. Đám đi đến đâu huyên náo đến đó, người dân hàng phố đổ ra xem rồi trầm trồ khen ngợi, thành thử người chết nằm trong quan tài cũng gật gù cái đầu và mỉm cười sung sướng. Cảnh tượng ấy đúng hơn là một đám rước, một đám hội, chứ không phải đám tang!

Và rồi thời khắc đau thương, xót xa nhất cũng đã đến – lúc hạ huyệt. Đây là lúc mà người âm kẻ dương sẽ vĩnh viễn, mãi mãi chia lìa, không bao giờ gặp lại. Vậy mà cảnh hạ huyệt trong chương truyện lại được ví như một màn trò hề lố bịch. Cụ cố Hồng mếu máo rồi ngất đi. Cậu tú Tân trong bộ tang phục luộm thuộm cùng đám bạn bè nhảy hết lên mả này đến mả khác, bắt mọi người phải uốn éo, tạo dáng, khóc như này, khóc như kia để chụp ảnh. Nhưng có lẽ diễn viên làm tròn vai nhất phải là ông Phán mọc sừng. Ông cháu rể quý hóa ấy khóc quá, khóc nức nở, khóc oặt cả người nhưng thực ra là để trá hình cho một vụ thương thảo với Xuân Tóc Đỏ. Cảnh tượng ấy khiến người đọc cười ra nước mắt. Những trò hề đầy đốn mạt, mất hết nhân tính, tình người dưới ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng đậm chất mỉa mai, châm biếm. Đến đây, chúng ta hiểu vì sao nhà văn lặp lại hai câu “Đám cứ đi…” trong lúc đưa tang. Cũng chẳng biết đây là đám ma hay đám gì nữa, nhưng đám cứ đi, cứ đi là đi đến cái huyệt để chôn sống hết những kẻ từ gia đình đến xã hội kia. Tiếng khóc Hứt! Hứt! Hứt! của Phán mọc sừng như thể là “Hất! Hất! Hất” tất cả xuống nấm mồ đó. Đám ma to tát, gương mẫu, danh giá nhất, cái gì cũng có nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất, đó là Tình thương với người đã khuất. Sức tố cáo mạnh mẽ được khơi gợi lên từ những cảnh tượng đậm chất trào phúng độc đáo như thế này.

Một trong những giá trị thành công của nghệ thuật trào phúng của tác phẩm thể hiện qua ngôn ngữ và giọng điệu. Trong đoạn trích không ít lần người đọc bật cười vì những từ ngữ đậm chất mỉa mai, châm biếm mà Vũ Trọng Phụng sử dụng. Nổi bật có những từ như “cả nhà ấy nhao lên”, từ nhao lột tả rất chân thực cái biểu hiện về sự bất ngờ, sung sướng của đám con cháu khi nghe tin cụ cố tổ chết, nhưng đồng thời cũng lột tả được cái bản chất nhơ bẩn của bọn chúng. Hay trong một đám tang của gia đình danh giá bậc nhất Hà thành này điều quan trọng nhất là sự trang nghiêm, tôn kính, quy củ. Ấy vậy mà tác giả không ít lần dùng những từ ngữ như nhốn nháo, vui vẻ, huyên náo… để mô tả không khí của đám tang. Trong khi đó còn chưa kể đến cách dùng tử miêu tả chân dung nhân vật đạt đến mức độ mỉa mai cao nhất, như: cụ cố Hồng mơ màng, ông Văn Minh băn khoăn, bối rối, đăm đăm chiêu chiêu, cô Tuyết buồn lãng mạn… Thi thoảng nhà văn lại chua thêm một số câu văn đến người đọc cũng “nhột cả người”: Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm, Thật là đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu… Không chỉ là cảm giác cười hả hê, sung sướng, mà cười đến chảy nước mắt. Giọng điệu mỉa mai, chấm biếm “phủ sóng” khắp cả chương truyện. Không thể tưởng tượng một xã hội, một gia đình trong bối cảnh thời đại ấy lại có những biểu hiện mục nát, băng hoại đến mức độ như vậy.

Không thể phủ nhận, Vũ Trọng Phụng có phần hơi gay gắt trong cách nhìn nhận đánh giá về hiện thực đời sống xã hội thành thị đương thời. Tuy nhiên với quan điểm nghệ thuật rất dứt khoát: tiểu thuyết phải là sự thật ở đời và ngòi bút trào phúng sắc lạnh, nhà văn đã đem đến cho người đọc những vết thương đã trở thành “ung nhọt” trong xã hội cần phải “chữa trị” gấp. Có nhiều người vẫn cho rằng: tuy Vũ Trọng Phụng không làm cách mạng nhưng cách mạng phải cảm ơn ông vì những cái nhìn hiện thực quá sâu sắc như vậy. Và nghệ thuật trào phúng chính là công cụ để giúp ông làm tốt điều này. Ông xứng đáng trở thành một trong những gương mặt nhà văn hiện thực tiêu biểu, xuất sắc của văn học giai đoạn 1930 – 1945.

Comments

comments