Nếu không thi THPT quốc gia, nhiều trường xét kết quả học tập của thí sinh qua học bạ để. Phương án tuyển sinh này đang tạo ra nhiều tranh cãi.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo, ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng từ khi tổ chức thi THPT quốc gia, các trường ĐH lớn, có số lượng thí sinh đăng ký đông vẫn lấy điểm của kỳ thi này, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, một số trường khó tuyển sinh đã sử dụng phương án xét tuyển với các tổ hợp của các môn học dễ, điểm cao hoặc xét tuyển theo học bạ. Điều này dẫn đến tình trạng “trước quá tả, nay quá hữu”, khó có thể tìm được thí sinh trượt đại học.
Kết quả học bạ không đáng tin cậy?
Theo đánh giá của GS Nguyễn Đình Đức, tuyển sinh đại học quá dễ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Hệ quả nhiều thí sinh bỏ học ngay từ năm thứ nhất vì không thể tiếp tục.
Lý giải về những nhận định của mình, GS Đức cho rằng các địa phương có mặt bằng giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương.
Việc xét theo học bạ sẽ thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như y, dược, kinh tế, luật, công nghệ thông tin.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT dễ dãi khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm, cấy điểm” cho học sinh. Việc tuyển sinh này còn nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo.
Thí sinh trúng tuyển năm nay theo hình thức xét tuyển học bạ sau vài năm xin chuyển trường. Trước kia, theo quy chế đào tạo, một trong những yêu tiên quyết là điểm đầu vào đại học không được thấp hơn nếu muốn chuyển sang trường khác.
Nếu tuyển sinh không có mặt bằng điểm thi đầu vào, rất khó xử lý, dễ dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khi ngành đó là ngành “hot”. Những trường này năm trước ở mức 27, 28 điểm mới trúng tuyển.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo một số đại học y dược cũng cho rằng sẽ không xét tuyển học bạ nếu kỳ thi THPT quốc gia không tổ chức. Phương thức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng, công bằng cho thí sinh.
Việc đánh giá giữa các vùng miền, trường học trong cùng một khu vực có sự không tương đồng. Học sinh có thể đạt học lực giỏi ở trường này nhưng với năng lực đó ở trường khác chỉ được đánh giá loại khá.
Xét học bạ 3 năm THPT chỉ đảm bảo được rằng năng lực học tập của học sinh là ổn định và hạn chế ảnh hưởng nếu kết quả năm học cuối bị thay đổi.
Thiếu đánh giá tổng quan
PGS.TS Đào Văn Đông, hiệu trưởng ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đưa ra một quan điểm khác. PGS. Đào Văn Đông khẳng định nếu kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, trường sẽ xét tuyển bằng học bạ. Mỗi năm, phương thức này vẫn được trường sử dụng để tuyển 15-20% chỉ tiêu.
Theo PGS Đông, các trường không ngại tổ chức thi, mà ngại nhất là không có kỳ thi THPT quốc gia sẽ gây hỗn loạn hệ thống, mỗi trường tuyển sinh một kiểu. Điều này dẫn tới có hàng trăm cuộc thi.
Thí sinh như con rối, quay cuồng với các kỳ thi. Trong khi đó, kết quả học bạ có đáng tin cậy hay không thì cần phải có cơ sở khoa học và căn cứ tốt nhất để so sánh chính là phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia.
PGS. Đào Văn Đông cho rằng sẽ không có sự chênh lệch quá lớn giữa phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia và phổ điểm kết quả học tập 3 năm THPT của thí sinh.
Chính vì vậy, nếu lấy điểm thi THPT quốc gia giả sử là 5 điểm/môn thì xét học bạ có thể lấy 6 điểm/môn. Hơn nữa, cho đến nay, Bộ GD&ĐT cũng chưa có bất cứ đánh giá nào về tranh cãi này.
Trước đây, khi còn thi 3 chung và tốt nghiệp THPT, có thể thấy, phổ điểm của hai kỳ thi có sự khác nhau rõ rệt. Nhưng đến giờ, chỉ còn một kỳ thi, thì khoảng cách đã bị xóa nhòa. Do vậy, nói chất lượng học bạ không đáng tin cậy cũng không đúng.
Theo Zing