Cho đến thời điểm này, nhiều cơ sở tuyển sinh ĐH-CĐ cho hay, quy mô tuyển sinh năm 2018 sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có thêm nhiều ngành mới. Điều đáng quan tâm hơn cả là ở khối các trường nghề, cách gọi tuyển dụng sẽ thay thế tên gọi tuyển sinh như mọi năm.
Xây dựng cổng thông tin tuyển dụng
Đại diện Bộ LĐTB&XH cho hay, các trường CĐ, trung cấp sẽ xét tuyển hoàn toàn độc lập, chứ không đợi ĐH xét tuyển xong các trường nghề mới bắt đầu. Xu hướng tuyển dụng theo phương án trường nào có uy tín, học ra trường có việc làm ngay thì khuyến khích phát triển tối đa. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển dụng giáo dục nghề nghiệp toàn quốc trên nền tảng điện thoại di động, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin học nghề gì, ra trường làm ở đâu, ngành đó nhận lương bao nhiêu để thí sinh cả nước thuận tiện lựa chọn học nghề.
Trước đó, từ tháng 6/2017 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã phối hợp với các đơn vị liên quan cho ra mắt Trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Mục đích chính của trang là thêm kênh thông tin để người học chọn ngành nghề, trường đúng với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu xã hội. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thông báo cho 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quản lý nhà nước của Tổng cục trong cả nước đưa thông tin đào tạo, tuyển sinh của trường lên trang. Ngay sau khi ra mắt, đã có 655 trường CĐ, TC, trường nghề, cơ sở đào tạo… trong cả nước trực thuộc Tổng cục đã cập nhật thông tin tuyển sinh của trường mình lên trang để thí sinh tìm hiểu, đăng ký xét tuyển. Khi truy cập trang, thí sinh chỉ cần nhập ngành nghề mình quan tâm, khu vực mình muốn học sẽ có ngay kết quả của những trường phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt khi đã chọn được trường phù hợp, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển online cho trường ngay trên trang thông tin này.
Nói cách khác, trước đây thí sinh phải vào trang web của từng trường tìm thông tin thì nay trang thông tin tuyển sinh đã tối ưu hóa việc tìm kiếm, đăng ký ngành nghề, trường của thí sinh. Ngoài việc giúp người học tìm ngành, trường, trang này còn đưa thông tin về xu hướng ngành nghề trong những năm tới; những câu chuyện khởi nghiệp hay, ấn tượng để truyền cảm hứng cho giới trẻ; những kỹ năng doanh nghiệp cần ở người lao động; những chương trình học bổng cho thí sinh khó khăn; góc tuyển dụng của doanh nghiệp…
Về phía nhà trường, ban quản trị trang sẽ cấp cho mỗi trường một tài khoản để trường tự đưa thông tin tuyển sinh của trường mình lên trang và chịu trách nhiệm với những thông tin này. Ngoài ra, trang thông tin sẽ có những chuyên mục để trường chuyển tải, quảng bá hoạt động của trường đến thí sinh; tự giới thiệu, ngành nghề dễ tìm việc, học bổng, khởi nghiệp, tuyển dụng, kỹ năng nghề nghiệp…
Theo TS Nguyễn Hồng Minh – tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc ra đời trang thông tin tuyển sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là trang không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo… mà còn giúp người xem có được cái nhìn tổng quan về hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Chú trọng hướng nghiệp
Liên quan đến định hướng giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên, nhân cuộc tọa đàm mới đây trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương chia sẻ, lâu nay công tác định hướng nghề nghiệp đã được thực hiện nhưng còn chưa được rộng khắp và chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp THCS, người học có thể lựa chọn học lên THPT hoặc học nghề phù hợp với lứa tuổi. Do đó, giới trẻ không nhất thiết chọn con đường vào ĐH mà cần cân nhắc, định hướng nghề nghiệp ngay từ THCS và THPT.
Còn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, tâm lý chung của thanh niên Việt Nam là muốn đi học ĐH. Tuy nhiên, để học ĐH, người học phải bảo đảm năng lực và nhiều điều kiện cụ thể khác như về kinh tế. Theo đó, hướng nghiệp tốt nhất là xã hội định hướng còn mỗi người tự chọn cho mình công việc phù hợp. Học ĐH là chính đáng, cần thiết nhưng đây không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp.
Hiện cả nước có gần 2.000 trường CĐ, TC nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ LĐTB&XH đang sắp xếp để chuẩn bị trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng ở cấp tỉnh, mỗi địa phương có một trường CĐ dạy nghề. Ở tuyến huyện sáp nhập các trường lại, nhưng hướng chung là mở các trường tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài. Các trường này do doanh nghiệp mở, đào tạo lao động cho chính mình.
Năm 2018 là năm ngành LĐTB&XH xác định tạo đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án đổi mới chất lượng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn, hướng tới giáo dục nghề nghiệp phải làm sao lượng người học phải đông lên. Các học viên sau tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập ngày càng cao hơn và được học liên thông lên CĐ, lên ĐH và thậm chí cao hơn.
Cùng với đó, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho hay, tới đây học phí học nghề sẽ tăng theo lộ trình khi các cơ sở đào tạo được giao quyền tự chủ. Theo đó, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ miễn giảm, học phí cho đối tượng gia đình chính sách; mở rộng đối tượng được hỗ trợ tín dụng học sinh – sinh viên hiện nay và nâng mức hỗ trợ.
Theo Dantri