Nhiều trường đại học đã xác nhận nhập học xong cho thí sinh trúng tuyển đợt 1; tại một số trường, tân sinh viên bắt đầu học từ tuần này. Nhưng nhiều trường phải tuyển bổ sung do chưa đủ chỉ tiêu.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương, cho biết, tỷ lệ thí sinh nhập học bằng các phương thức xét tuyển của trường đạt 96-97%. Tuần này, tân sinh viên bước vào tuần học giáo dục công dân đầu tiên. PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, tỷ lệ thí sinh đến nhập học đạt 96%, tương đương năm 2019. Ông Bùi Viết Toàn, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Hà Nội, nói rằng, tỷ lệ thí sinh đến xác nhận nhập học vượt 100%, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, nói: “Số thí sinh xác nhận nhập học vào trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 103%. Căn cứ tình hình tuyển sinh chung, trường không nhận hồ sơ xét bổ sung, đồng thời, trường kết thúc xét tuyển học bạ”. Trường ĐH Mở TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TPHCM… cũng sẽ không tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH công lập khối kỹ thuật, nông nghiệp, khoa học xã hội phải tuyển bổ sung với số lượng lớn chỉ tiêu. Trường ĐH Xây dựng xét tuyển bổ sung 650 chỉ tiêu cho 12 ngành và chuyên ngành đào tạo với ngưỡng điểm từ 16 (riêng ngành quản lý xây dựng là 20 điểm). Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển thêm 780 chỉ tiêu.
Học viện xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức: dựa trên kết quả học tập năm lớp 12 và dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hoặc kết quả thi THPT quốc gia các năm trước. Trường ĐH Điện lực xét tuyển bổ sung 8 ngành với 30 chỉ tiêu/ngành. Trường ĐH Lao động – Xã hội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu. Học viện Quản lý giáo dục cũng thông báo xét tuyển bổ sung 7 ngành đào tạo với mức điểm nhận hồ sơ từ 15 điểm trở lên.
Tại TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành bậc đại học theo hai phương thức xét học bạ THPT và điểm thi THPT. Trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho 44 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH thuộc các khối ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, nghệ thuật – mỹ thuật, xã hội – nhân văn ở cả hai phương thức; nhận hồ sơ đến ngày 17/10.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung cho 14 ngành đại học chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, trường tuyển bổ sung 5 ngành đại học ở hệ chính quy đại trà với 50 chỉ tiêu, 30 chỉ tiêu cho 3 ngành ở hệ chất lượng cao và 60 chỉ tiêu cho 6 ngành ở chương trình liên kết quốc tế 2+2. Ngưỡng điểm xét tuyển cho các ngành chỉ từ 18 điểm. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng tuyển sinh bổ sung cho 14 ngành học với tổng chỉ tiêu là 756, mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 14 điểm, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Một số sinh viên sẽ xin bảo lưu hoặc nghỉ học
Do các trường nhóm trên, các ngành “hot” đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1 nên những đợt xét tuyển bổ sung sau dành cho những trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường đào tạo kỹ thuật khó tuyển sinh. Nhiều trường cố gắng chỉ xét tuyển bổ sung một lần, còn lại dù thiếu hay thừa thì cũng không muốn xét tiếp vì nhiều rủi ro. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, năm nay có nhiều thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 nên đây là cơ hội cho các trường khó tuyển sinh có được sinh viên giỏi.
Ông Bùi Viết Toàn, ĐH Hà Nội nói rằng, điều bất thường của năm nay là điểm cao vẫn có thể trượt. “Theo tôi, việc thí sinh điểm cao vẫn trượt có thể từ các nguyên nhân: khâu tư vấn tại các trường THPT chưa tốt; thí sinh chủ quan chưa tìm hiểu kỹ; các trường ĐH cung cấp thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, đôi lúc công bố cho có. Cho nên kể cả trúng tuyển đợt 1 vẫn có nhiều thí sinh không vui vẻ”, ông Toàn nói.
Ông cho rằng, hết học kỳ I sẽ có nhiều sinh viên xin bảo lưu hoặc xin nghỉ học hẳn. Hằng năm, trường rà soát và phải loại 200-300 sinh viên sau khi hết năm thứ nhất vì nguyên nhân trên. Theo PGS Đỗ Văn Dũng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hằng năm có khoảng 10% thí sinh “rơi rụng” vì lý do chọn nhầm trường hoặc coi trường chỉ là bến đỗ tạm thời.
Theo Tienphong