Không còn là kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, các trường được tự chủ tuyển sinh. Một số ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng các trường ĐH đua nhau tổ chức thi tuyển, giống như những năm trước khi thực hiện 3 chung. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhận định sẽ khó có tình trạng đó.
Thứ trưởng Phúc cho biết, theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã quy định trong luật, những năm qua, các cơ sở giáo dục ĐH đã tự chủ đầu vào bằng nhiều phương thức. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.
Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4%. Số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Còn lại là các phương thức khác (thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%.
Xu hướng này cũng thể hiện rõ trong các đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học khi ngày càng nhiều cơ sở sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó phương án tổ chức thi riêng cũng được một số trường tốp trên chuẩn bị từ nhiều năm trước. Điều này cũng đúng với tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với lộ trình đổi mới, đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian qua, phù hợp với xu thế tuyển sinh đại học trên thế giới.
Do đó, sử dụng kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh ĐH. Các trường tự chủ tuyển sinh, lựa chọn các phương thức phù hợp nhất để chọn được những thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo.
Chỉ 10-20% thí sinh lựa chọn kỳ thi tuyển sinh riêng
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, số liệu thống kê những năm qua cho thấy, số trường thi tuyển riêng rất ít, chỉ chiếm 3%-4% tổng số thí sinh trúng tuyển. Năm nay số trường tham gia thi tuyển sinh riêng có thể tăng lên, nhưng chủ yếu là một số trường tốp trên, số thí sinh tăng lên nhưng sẽ không đột biến. Sẽ chỉ có những trường ĐH thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như y dược, công an, quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật… và một số trường có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức kỳ thi thi.
Ước tính sẽ có khoảng 10 – 20% học sinh THPT lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức gồm 5 đầu điểm là các môn văn, toán, ngoại ngữ, 1 môn tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự đoán, đa phần các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác.
Đồng thời, do tính đặc thù, các trường có chung lĩnh vực, phân khúc đào tạo, hoặc tương đồng về quy mô, vị trí địa lý, cũng như các đại học quốc gia, đại học vùng sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển chung. Trên cơ sở đó, các trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.
Cụ thể, một số trường đại học phía Nam đã thống nhất sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác. Do vậy năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi, không có nhiều cuộc thi diễn ra trong nhiều đợt nên không thể lặp lại tình trạng tập trung quá đông thí sinh về một điểm, trong một thời gian.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh khá tốt, ví dụ như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều năm qua, và mới đây là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Theo Tienphong