Học ngành gì để ra trường có việc làm là băn khoăn của nhiều học sinh khối 12 tại TP.HCM khi đứng trước cơ hội chọn lựa ngành, nghề của cuộc đời.
Nhiều câu hỏi về ngành, nghề và cơ hội việc làm của học sinh được đại diện các trường ĐH, CĐ và chuyên gia trả lời trực tiếp tại buổi khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh Đúng ngành nghề, sáng tương lai lần thứ 10, được tổ chức tại trường THPT Gia Định, TP.HCM, ngày 10/1.
Bên cạnh đó, một số điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2018, công tác tuyển sinh của các trường cũng được thông tin tại chương trình này.
Việc làm – mối quan tâm hàng đầu
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhấn mạnh: “Trong điều kiện TP.HCM được giao cơ chế đặc thù và bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu lao động của thành phố và cả nước sẽ là nguồn lao động chất lượng cao”.
Ông Tuấn đưa ra 8 nhóm ngành sẽ cần nguồn nhân lực ở nước ta trong giai đoạn tới, bao gồm: Công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sư phạm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao trong nông nghiệp, văn hóa – thể dục – thể thao.
Trong đó, ông nhấn mạnh vị trí của các ngành công nghệ kỹ thuật (công nghệ thông tin là trọng tâm), kinh tế dịch vụ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…
Mặc dù mùa tuyển sinh 2017 chứng kiến sự tuột dốc của ngành sư phạm, nhiều học sinh có mặt tại buổi tư vấn vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nghề giáo.
Nhiều em cho biết muốn thi vào trường sư phạm nhưng e dè vì tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp phổ biến và chất lượng đầu vào của ngành này.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng đầu vào không quyết định điểm tốt nghiệp và chất lượng đào tạo phụ thuộc nhiều yếu tố.
Nếu điểm đầu vào thấp, trường phải đầu tư nhiều hơn để sinh viên tốt nghiệp đúng mặt bằng chung của đại học. Hơn nữa, sắp tới, điểm sàn riêng cho ngành sư phạm sẽ được áp dụng để đảm bảo chất lượng đầu vào.
“Nếu có năng lực và phấn đấu liên tục trong bốn năm đại học, các em sẽ trở thành lao động có chất lượng. Quan trọng vẫn là việc tự xác định đam mê của bản thân”, TS Mai tư vấn.
Mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng
Tại chương trình, phần đông học sinh còn hoang mang vì chưa nắm bắt chi tiết thể lệ dự thi THPT quốc gia.
Bạn Nguyễn Kỳ Anh, học sinh lớp 12D3, trường THPT Gia Định, chia sẻ tuy đã tìm hiểu thông tin, bạn vẫn còn nhiều băn khoăn về thể lệ dự thi. Ngoài hai lựa chọn là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Luật TP.HCM, Kỳ Anh còn dự định du học khi được nghe thầy cô tư vấn.
Theo TS Lê Thị Thanh Mai, năm 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi năm nay sẽ bao gồm khối kiến thức lớp 11 và 12. Bộ vẫn giữ các bài thi hoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, đồng thời cho phép thí sinh được đăng ký cùng lúc nhiều trường.
TS Mai thông tin thêm ít nhất 70% các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển. Một số trường có thêm bài kiểm tra năng lực hoặc kỳ thi khác song hành.
Đặc biệt, nhiều trường có xu hướng mở rộng việc xét tuyển học sinh giỏi, học sinh các trường có điểm thi trung bình cao trong kỳ thi THPT quốc gia các năm. Đây là vấn đề được học sinh rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc về cách thức xét tuyển và tuyển thẳng, đại diện ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay năm nay, trường vẫn căn cứ kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Bên cạnh đó, trường dành 2% chỉ tiêu để tuyển thẳng.
Tương tự, ĐH Y Dược TP.HCM tuyển thẳng dựa vào thứ hạng tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ngành Dược sẽ xét kết quả môn Hóa học và các ngành còn lại xét môn Sinh học.
Theo Zing