Tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng; Các trường được tuyển sinh nhiều lần trong năm là những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 đối với đào tạo ĐH nói chung và đào tạo CĐ mầm non nói riêng.
Dự thảo vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận vào ngày 21/1.
Không giới hạn nguyện vọng
Theo dự thảo, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn;
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung, nếu có.Đào tạo giáo viên, sức khỏe: phương thức xét tuyển nào cũng có quy định
Theo dự thảo quy chế, năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.
Đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này.
Cụ thể: Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Với phương thức xét tuyển kết quả học THPT (điểm học bạ), dự thảo quy định điểm trung bình cộng xét tuyển ĐH đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng – hàm – mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.
Riêng các ngành: điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên.
Đối với ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên.
Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, tối thiểu là 6,5 trở lên.
Những ngành đào tạo khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với các quy định tại quy chế.
Không được sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp xét tuyển/ngành
Các trường có thể sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành nhưng phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức và có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm và công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường.
Theo đó, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là các bài thi. Các môn thi thành phần của bài thi khoa học tự nhiên, bài thi khoa học xã hội là môn thi.
Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp);Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải ghi rõ trong đề án tuyển sinh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa; phải thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại quy chế.
Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển có thể lựa chọn các hình thức tuyển sinh khác: Tổ chức thi tuyển do trường ra đề, coi thi, chấm thi, tổ chức xét tuyển theo hồ sơ, sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác, của tổ chức uy tín trên thế giới.