Theo dự thảo thông tư, đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên và thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Cụ thể, các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ ĐH xét tuyển học sinh (HS) tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện Thể thao xét tuyển HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Ở bậc CĐ, trung cấp, việc xét tuyển áp dụng đối với HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (bậc CĐ), Sư phạm Thể dục Thể thao (bậc trung cấp) quy định có học lực trung bình trở lên.
Điểm mới quan trọng, cũng là nội dung được nhiều người quan tâm nhất đó là các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, các ngành Y khoa, Y học Cổ truyền, Răng hàm mặt chỉ tuyển sinh HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi diện xét học bạ. Các ngành còn lại quy định có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Góp ý về phương thức xét tuyển, PGS Hoàng Bùi Hải, ĐH Y Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc quy định phải có học lực giỏi mới được xét tuyển vào Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt.
“Có thể có những thí sinh học lực khá nhưng nổi trội ở các môn Toán, Hóa, Sinh. Nếu quy định phải có học lực giỏi thì sẽ hạn chế cửa vào ngành nghề yêu thích của các em này. Thậm chí, có khi lại tạo ra cuộc “chạy đua” học bạ giỏi để xét tuyển vào Y – Dược.
Ngược lại, cũng có những em học bạ là giỏi nhưng tổ hợp xét tuyển ngành Y – Dược lại chỉ bình thường. Trường hợp này nếu trúng tuyển cũng là chưa hợp lý. Tôi cho rằng học lực khá trở lên là được”, PGS Hải nêu quan điểm.