fbpx
Home Tin tuyển sinh Tuyển sinh 2018: Cơ hội nào ở nguyện vọng bổ sung

Tuyển sinh 2018: Cơ hội nào ở nguyện vọng bổ sung

0
Tuyển sinh 2018: Cơ hội nào ở nguyện vọng bổ sung

Hàng chục trường đại học tiếp tục tuyển bổ sung sau đợt xét tuyển đầu tiên. Các thí sinh rớt đợt một cần cân nhắc kỹ để lựa chọn ngành, trường phù hợp mức điểm của mình.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cơ hội nào ở nguyện vọng bổ sung” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 13/8, các chuyên gia tuyển sinh và đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng đã tư vấn xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho thí sinh.

Ban tư vấn đã trả lời hàng trăm câu hỏi của thí sinh, phụ huynh gửi tới chương trình, trong đó có những câu hỏi khá “hóc búa” như gian lận điểm thi ở một số tỉnh có khiến thí sinh bị trượt oan? Những ngành nào là ngành hot trong đợt xét tuyển bổ sung lần này…

– Các ngành nào có nhiều cơ hội hơn cho thí sinh ở đợt xét tuyển bổ sung? Kinh tế, xã hội hay kỹ thuật?

– TS Lê Thị Thanh Mai – Trưởng ban Công tác Sinh viên – ĐH Quốc gia TP.HCM – trả lời: Cơ hội còn tùy vào mỗi trường, vì ở đợt xét tuyển bổ sung sẽ tuyển sinh theo thông báo của các trường.

Để biết thêm cơ hội của mình, em cần tham khảo điểm chuẩn 2 năm qua, điểm chuẩn đợt 1 năm 2018 và điểm của mình theo tổ hợp xét tuyển tương ứng.

– Em thi được 16,15 điểm và ở khu vực 2. Em chỉ đăng ký vào ĐH Nam Cần Thơ, ngành Y khoa. Em có khả năng đậu không?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Nếu đủ điều kiện đăng ký xét tuyển, em cứ làm thủ tục đăng ký theo hướng dẫn. Tuy nhiên, cô lưu ý đợt 2, những ngành thu hút nhiều thí sinh, trong đó có ngành Y, có khả năng nhiều bạn đạt điểm số cao chưa trúng tuyển ở các trường khác sẽ nộp vào. Vì vậy, với mức điểm của mình, em nên quan tâm thêm ngành khác, hoặc trường khác nữa để tăng cơ hội cho mình.

– Vừa qua, em trượt nguyện vọng 1 vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Với số điểm 17,5, em có thể xét tuyển vào ngành nào khối Y dược ĐH Hồng Bàng?

– PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng – trả lời: Em có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành sau: Điều dưỡng, Xét nghiệm y học, Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, Dược.

– ĐH Bách Khoa TP.HCM có tuyển bổ sung đợt 2 không?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Trường có xét tuyển bổ sung dành cho các ngành đào tạo ở phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre. Chi tiết em tham khảo thêm tại website của trường.

– Một số trường đại học vẫn tiếp tục xét tuyển bằng học bạ sau ngày 12/8, vậy những thí sinh chưa trúng tuyển trong đợt 1 có nên quay lại sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT thay vì dùng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển trong đợt bổ sung?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Để tăng cơ hội trúng tuyển, nếu đáp ứng cả 2 điều kiện, thí sinh có thể tham vấn trực tiếp tại trường để được chia sẻ có cần sử dụng hai phương thức này hay không.

– Điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung có được thấp hơn đợt một hoặc điểm sàn nhận hồ sơ không?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Theo quy định, điều đó không thể xảy ra. Điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung chỉ có thể là bằng hoặc cao hơn đợt một.

– Trúng tuyển trong các đợt xét tuyển bổ sung có khác gì so với thí sinh trúng tuyển trong đợt một khi nhập học và trong quá trình học không?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Ngoại trừ thời gian làm thủ tục nhập học sau các thí sinh trúng tuyển đợt một ra, còn lại là không có gì khác biệt.

– Điều kiện xét tuyển bổ sung khác gì xét tuyển đợt 1? Có đăng ký nhiều nguyện vọng không? Trúng tuyển đợt 1 rồi nhưng không thích thì được xét tuyển bổ sung không?

– TS Lê Thị Thanh Mai: Khác với đợt 1, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành ở nhiều trường khác nhau thì ở đợt xét tuyển bổ sung, sẽ theo quy định của từng trường. Trúng tuyển đợt 1 rồi, thí sinh không còn “giấy thông hành” để tham gia xét tuyển đợt bổ sung.

Theo Zing

Comments

comments