Nhiều thầy cô giáo đánh giá, nhìn chung đề thi minh họa thi THPT quốc gia năm 2018 có độ khó và tính phân loại cao hơn hẳn so với đề thi năm ngoái. Do đó, nhiều khả năng đề thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ phân loại học sinh rõ hơn.
Với môn Toán, nhiều giáo viên có đánh giá chung nội dung kiến thức trong đề thi tham khảo kì thi THPT quốc gia 2018 đảm bảo sự phân tầng độ khó để đáp ứng mục tiêu “2 trong 1” của kì thi THPT quốc gia.
Các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12 (80%). Các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 dù xuất hiện với tần suất ít hơn (chiếm khoảng 20% tổng số câu).
So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo 2018 có độ khó hơn hẳn và có sự sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức. Điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng nhưng đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của từng câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh và làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh. Đặc biệt, mỗi nội dung kiến thức đều được hỏi ở các mức độ từ dễ đến khó, có vận dụng kiến thức Toán vào các bài toán thực tế (bài toán lãi xuất câu 22)
Nhiều giáo viên cho rằng so với đề thi THPT quốc gia 2017, đề thi THPT quốc gia 2018 thể hiện tính phân loại mạnh hơn hẳn.
Các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao rơi vào khoảng 8-10 câu hỏi cuối (câu 42-50). Các câu hỏi này thường rơi vào các chuyên đề Hình học không gian, hình Oxyz và đặc biệt là câu Tích phân (câu 50). Đặc biệt với phần kiến thức lớp 11, câu 49 thuộc chuyên đề Xác suất cũng là một câu hỏi khó đối với thí sinh.
Với môn Vật lý, mức độ khó và sự phân hóa cũng được thể hiện rõ hơn so với đề thi THPT quốc gia năm 2017.
Thầy Hoàng Công Viêng (giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) nhận xét:
“Chắc chắn sẽ khó hơn năm 2017. Đề có số câu mức độ khó (mức độ 4) khoảng 11, 12 câu; mức độ 3 khoảng 8,9 câu. Còn mức độ 1,2 (cơ bản) 20 câu (5 điểm). Số câu ở chương trình 11 là 8 câu trong đó có 4 câu mức độ 1 và 2; 4 câu còn lại mức độ 3. Nói chung với đề này các em nắm cơ bản sẽ lấy được 5 điểm, mức khá 6 đến 7 điểm, còn để lấy trên 8 điểm phải là những em có năng lực thực sự”.
Thầy Viêng đánh giá đề có tính phân hóa cao, đặc biệt phổ điểm từ 7 đến 10 sẽ không như năm ngoái.
“Đề thi năm nay đã thể hiện sự phân hóa học sinh hơn. Như năm ngoái các em học lực khá, giỏi sẽ làm được 8,9 điểm; điểm 10 thì khó hơn nhưng 4 câu đó các em hoàn toàn có thể đánh mò và trúng với xác suất cao. Năm nay lượng kiến thức nhiều hơn với việc nội dung đề quét hết kiến thức 11 và 12. Lại nhiều mã đề nên các em sẽ phải học hết, tất nhiên mật độ các câu nằm phần nào các em cũng biết được”, thầy Viêng nói.
Với môn Sinh học, thầy Nguyễn Thành Công (giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận xét mặc dù các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12 (80%). Trong đó, các câu hỏi vẫn đảm bảo phủ các chuyên đề lớp 12 như đề thi THPT quốc gia 2017. Đặc biệt, các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 mặc dù xuất hiện với tần suất ít hơn nhưng phân bố rộng trong tất cả các chuyên đề lớp 11.
“So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo có độ khó hơn hẳn. Điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng, chiếm khoảng 25% nhưng đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi dùng để phân loại thí sinh. Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao là câu 114 đến câu 120, các câu hỏi này thường rơi vào các chuyên đề Các quy luật di truyền, cơ chế di tryền và biến dị, di truyền người và di truyền quần thể, các câu thuộc kiến thức lớp 11 thuộc mức độ dễ và trung bình”, thầy Công nói.
Với môn Văn, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định về cơ bản, ngoại trừ phần kiến thức lớp 11 bổ sung trong kiểu đề so sánh của câu nghị luận văn học, cấu trúc đề, yêu cầu và mức độ phân hoá…không thay đổi so với đề thi THPT quốc gia 2017.
Theo Vietnamnet