TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo viên nên phân tích cấu trúc đề thi chính thức và tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 theo chủ đề nội dung, kiến thức cũng như tổ chức thi thử để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.
hưa ông, học sinh đang trong giai đoạn nghỉ học kéo dài, có thể ôn tập theo tài liệu nào để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay?
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019. Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa. Do đó, tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, đó chỉ là định hướng để ôn tập theo định dạng và cấu trúc, còn nội dung kiến thức đề thi năm nay có thể rộng hơn so với các tài liệu tham khảo này.
Phân tích từ các tài liệu tham khảo trên thì thí sinh có thể thấy rõ phần lớn các câu hỏi trong đề là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó.
Càng về cuối là các câu hỏi có tính chất phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, trong đó có một số câu hỏi kiểm tra việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Nhóm các câu hỏi này nhằm phân loại các thí sinh có năng lực cao.
Để ôn tập đạt hiệu quả, thí sinh cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?
Trước hết, các thí sinh phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản, vì những câu hỏi thuộc nhóm kiến thức cơ bản sẽ chiếm tỉ lệ lớn trong bài thi. Khi làm bài, các em nên làm tuần tự từ trên xuống, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn.
Không sa đà vào những câu hỏi khó, các em sẽ dễ rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát về thời gian làm bài. Thời điểm này, các thí sinh nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12.
Các em nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.
Việc ôn tập các chủ đề có thể hệ thống hóa qua các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức với nhau để dễ hình dung, bao quát.
Đọc kỹ câu hỏi ở bài thi trắc nghiệm
Với các bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần có kỹ năng nào để hoàn thành tốt?
Khi làm bài thi trắc nghiệm, trước hết thí sinh phải đọc kỹ lời dẫn trong các câu hỏi, gạch chân các từ khóa của lời dẫn để xác định rõ yêu cầu, tránh nhầm lẫn.
Đặc biệt, phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định. Thí sinh nên nghiên cứu kỹ yêu cầu của từng câu hỏi để tính toán, lập luận, phân tích 4 lựa chọn để tìm phương án đúng. Trong 4 lựa chọn chỉ có 1 phương án duy nhất đúng, còn lại là các phương án nhiễu. Các phương án nhiễu được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn của câu hỏi nên có thể làm cho thí sinh nhầm lẫn nếu không tỉnh táo đọc kỹ câu hỏi mà chọn bừa.
Trong quá trình làm bài cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để sau khi làm xong các câu hỏi khác dễ dàng quay lại làm tiếp. Ngoài ra, tránh việc bỏ sót các câu hỏi và tránh nhầm lẫn đáng tiếc đáp án của các câu hỏi với nhau trong quá trình tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Từ nay đến kỳ thi, giáo viên cần làm những gì để giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, thưa ông?
Các thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 theo các nhóm cấp độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và theo các chủ đề của nội dung kiến thức.
Từ đó dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được theo chủ đề hoặc theo nhóm các vấn đề. Đặc biệt, tổ chức ôn tập, củng cố những nội dung kiến thức có tính kế thừa của lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để các em trong quá trình hình thành kiến thức mới và ôn tập để nắm thật vững kiến thức cơ bản lớp 12.
Bên cạnh đó, thầy cô nên tư vấn hoặc có thể tổ chức cho học sinh thi thử để làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý khi vào phòng thi. Đặc biệt hình thành cho các em kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian trong mỗi bài thi, rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, không nên lao vào thi thử quá nhiều vì cần có thời gian ôn tập để có thể nâng cao được năng lực.
Nếu tổ chức thi thử cho học sinh cần lưu ý khi xây dựng đề phải thực hiện đúng chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và đặc biệt cần đảm bảo tính chính xác của nội dung kiến thức, các cấp độ của mỗi câu hỏi và cấu trúc. Việc ra đề thi thử không đảm bảo chính xác về nội dung kiến thức, không theo chuẩn kiến thức kỹ năng, quá dễ hay quá khó đều có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của các em trong quá trình học và ôn tập.