Trên mạng xã hội, nhiều học sinh bàn luận vui vẻ về kỳ thi với mục đích xét tuyển “hai trong một”. Theo họ, trượt tốt nghiệp còn khó hơn cả đỗ.
Một giáo viên phổ thông cho hay với công thức này, người trượt tốt nghiệp chỉ khi bị điểm liệt. Ngoài ra, phần lớn các môn (trừ Ngữ văn) thi trắc nghiệm, nên khó có thể bị điểm liệt.
Theo giáo viên này, 4 năm qua, từ khi triển khai kỳ thi THPT quốc gia, điểm tổng kết lớp 12 của học sinh phổ thông tăng vọt so với các năm trước. Phần lớn học sinh đều được 7-8 phảy. Nếu học sinh có điểm trung bình là 8, điểm mỗi môn thi THPT quốc gia chỉ 2 điểm là đỗ. Nếu học sinh có điểm trung bình là 7, điểm môn thi THPT quốc gia chỉ 2,5 điểm là đỗ. Điều này khiến học sinh không cần quay cóp, phao thi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước vẫn gần 100%.
Trả lời Zing.vn, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT – cho biết nghị quyết 29 ghi rất rõ đổi mới thi theo hình thức kiểm tra và đánh giá, đặc biệt đánh giá cuối kỳ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình và cuối năm học. Do đó, việc sử dụng kết quả đánh giá năm học lớp 12 vào điểm xét tuyển tốt nghiệp nằm trong nghị quyết này, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Vấn đề có hiện tượng gian dối trong kiểm tra điểm số lớp 12 được Bộ GD&ĐT giám sát bằng biện pháp tăng cường quản lý, đưa các phần mềm kiểm tra điểm số. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, bộ xét tuyển tốt nghiệp theo hình thức này và chưa có mâu thuẫn giữa điểm đánh giá và quá trình học tập.