Chia sẻ với các thí sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, trượt đại học không phải là thảm họa, có nhiều con đường khác dẫn đến thành công, không phải nhất định phải vào đại học, hoặc nếu các em vẫn mong muốn vào đại học năm nay thì hãy đợi xét tuyển đợt 2.
Nhận định về kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay khi trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay là năm thứ ba tổ chức kỳ thi THPTQG và lấy kết quả để xét tuyển đại học. Những bất cập của năm trước, cơ bản đã được giải quyết, chúng ta có một mùa thi được đánh giá là thành công, an toàn, thuận lợi, đúng quy chế và hiệu quả cao về mặt kinh tế xã hội.
Theo ông Triệu, trong kỳ tuyển sinh năm nay, với việc đăng ký xét tuyển tại cơ sở và tập trung dữ liệu về Bộ GD&ĐT đã tạo thuận lợi lớn cho thí sinh và các trường đại học trong việc nộp và nhận hồ sơ tuyển sinh.
Việc xét tuyển năm nay cũng rất nhẹ nhàng, thuận lợi và hiệu quả, từ việc điều chỉnh nguyện vọng đến xét tuyển có sự hỗ trợ tốt và suôn sẻ của phần mềm lọc ảo của các nhóm XTPB, XTPN và của Bộ,… và như theo thống kê sơ bộ có 170/322 trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt này, đây là con số ấn tượng nếu so với năm 2016 đa số các trường, kể cả tốp đầu cũng tuyển thiếu.
Tuy nhiên, hiện nay xảy ra hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Năm nay, quy chế tuyển sinh có một số thay đổi quan trọng, trong đó có việc không hạn chế số nguyện vọng của thí sinh, các em có thể nộp nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành vì vậy làm tăng tối đa khả năng trúng tuyển đại học cho thí sinh.
Việc có một số thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt đại học, nếu có thì chỉ là số ít, có thể là do các em quá tin tưởng vào khả năng trúng tuyển của mình, hoặc do các em chỉ theo đuổi duy nhất 01 nguyện vọng mà không đặt nhiều nguyện vọng ở mức thấp hơn.
Ví dụ: thí sinh chỉ nộp 01 nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội, ngành y đa khoa (với điểm chuẩn năm nay là 29.5) mà không ghi thêm các nguyện vọng cùng ngành y khác với mức điểm thấp hơn của Đại học Y Hà Nội hoặc cùng ngành Y ở các trường đại học khác.
Hoặc một số em có ghi nhiều nguyện vọng hơn nhưng toàn đặt ở các ngành “hot” của các trường tốp trên thì độ rủi ro trượt đại học cũng rất cao, ví dụ thí sinh đạt 25 điểm, thích học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên em ghi 10 nguyện vọng vào trường, nhưng em chỉ chọn các ngành “hot” như kế toán, tài chính, kinh tế đầu tư,… mà không đặt vào một số ngành năm trước có mức điểm chuẩn thấp như thống kê, toán,… thì em cũng bị trượt.
Như vậy, theo ông, thí sinh phải tính toán như thế nào để dễ đỗ vào nguyện vọng mà mình yêu thích?
Khi tư vấn tuyển sinh, chúng tôi luôn nhấn mạnh điểm thay đổi quan trọng này của Quy chế và luôn khuyến nghị thí sinh đặt nguyện vọng theo nguyên tắc “ruộng bậc thang” và tốt nhất chia thành 03 nhóm nguyện vọng: cao, trung bình và thấp.
Khi thí sinh biết điểm thi (đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng 15,5 điểm), để điều chỉnh nguyện vọng, chúng tôi tư vấn theo nguyên tắc trên, thí sinh so kết quả thi của mình với điểm chuẩn năm trước đặt nguyện vọng nhóm cao là ngang bằng điểm của mình, nhóm trung bình là thấp hơn điểm của mình 1-2 điểm và nhóm thấp là thấp hơn như vậy.
Nếu thí sinh tuân thủ theo nguyên tắc này thì khả năng trúng tuyển đại học có thể đạt đến gần tuyệt đối. Phân tích như vậy để thấy rằng, quy chế năm nay không hạn chế số nguyện vọng của thí sinh đã mở ra khả năng lớn chưa từng có để các em trúng tuyển vào đại học theo nguyện vọng của mình.
Và vì có nhiều nguyện vọng nên sẽ có sự tập trung cao độ việc số đông thí sinh đăng ký vào các ngành “hot” và các trường tốp đầu, hiệu ứng tất yếu là điểm chuẩn các ngành, các trường này tăng lên và sự cạnh tranh để trúng tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh ở nhóm này sẽ rất cao.
Nhưng nếu thí sinh có kết quả thi cao (>= 25 điểm) và có nguyện vọng dự phòng thứ 2, thứ 3 (không cần nhiều lắm) ở ngành, trường có mức điểm thấp hơn thì chắc chắn không bị trượt đại học.
Ông có chia sẻ và lời khuyên gì các thí sinh đạt điểm cao bị trượt đại học trong đợt 1 này?
Lời khuyên dành cho các em là, hãy bình tĩnh và suy nghĩ tích cực, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, trượt đại học không phải là thảm họa, có nhiều con đường khác dẫn đến thành công, không phải cứ vào đại học, hoặc nếu các em vẫn mong muốn vào đại học năm nay thì hãy đợi xét tuyển đợt 2.
Nếu vẫn muốn tiếp tục theo đuổi nguyện vọng ban đầu thì hãy kiên trì ôn luyện cho mùa thi năm sau và hãy lưu ý lời khuyên của tư vấn về nguyên tắc “ruộng bậc thang” khi nộp nguyện vọng xét tuyển.
Ý kiến của ông thế nào về việc tiếp tục hay không việc thi THPTQG và lấy kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh đại học trong năm tới?
Với những thành công của kỳ thi THPTQG năm nay và kết quả rất đáng khích lệ của kỳ xét tuyển đợt 1 vừa rồi, chúng ta có thể tin tưởng rằng những cải cách về thi THPT và tuyển sinh là đang đi đúng hướng và được sự đồng tình cao của thí sinh, phụ huynh, các trường phổ thông, các trường đại học và của xã hội.
Tôi cho rằng với sự tiếp tục phát huy những thành công, những mặt tích cực và hoàn thiện của quy chế, Bộ GD&ĐT nên tiếp tục kỳ thi THPTQG và tuyển sinh đại học như năm 2017 này trong những năm tới.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Dantri