PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cảnh báo về nguy cơ nguồn tuyển ngày càng giảm do các gia đình hiện nay chỉ sinh 1 – 2 con trong khi số trường ĐH không giảm, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn ồ ạt.
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cảnh báo về nguy cơ nguồn tuyển ngày càng giảm do các gia đình hiện nay chỉ sinh 1 – 2 con trong khi số trường ĐH không giảm, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn ồ ạt.
Ngày 28.12, tại hội nghị chủ tịch hội đồng trường – hiệu trưởng các trường ĐH được Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, lãnh đạo các trường ĐH bày tỏ lo ngại trước việc cho thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng nên tỷ lệ ảo cao khiến các trường khó khăn trong việc cân đối hoạt động đào tạo.
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cảnh báo về nguy cơ nguồn tuyển ngày càng giảm do các gia đình hiện nay chỉ sinh 1 – 2 con trong khi số trường ĐH không giảm, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn ồ ạt. Trong khi đó, khi nền kinh tế đạt được một mức độ phát triển nhất định thì các doanh nghiệp FDI không đầu tư vào nữa. Các doanh nghiệp nhà nước thì thu hẹp phạm vi hoạt động. Cho nên, số việc làm ít đi.
“Nếu vẫn giữ nhiều trường ĐH như vậy, các trường lại cứ tuyển ồ ạt thì chúng ta sẽ phải đối mặt với việc sinh viên ra trường mà xã hội lại không đáp ứng được chỗ làm”, PGS Dũng khuyến cáo.
Cũng theo PGS Dũng, một vấn đề hiện nay khiến các trường đau đầu khi làm công tác tuyển sinh là tình trạng thí sinh ảo.
GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nêu ý kiến: “Thí sinh ảo có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân xã hội. Chúng ta nên cân nhắc việc cho thí sinh đăng ký thoải mái nguyện vọng (NV). Khi đã không đam mê, không theo đuổi thì không biết việc cho phép các em đăng ký tới 10 NV chẳng để làm gì!”. Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế, cũng đặt vấn đề: “Thực tế xét tuyển cho thấy với mức 10 NV mà thí sinh có thể đăng ký là hơi nhiều. Chỉ nên giới hạn lại 5 NV”.
Trả lời các câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết thống kê của năm 2018 cho thấy những NV từ 1 đến 3 trung bình khoảng 16 – 17%. 13% chỉ có 4 NV, 7% chỉ có 5 NV. Như vậy, từ NV thứ 6 trở lên là có tới 27%.
Bà Phụng nói: “Xu hướng làm luật hiện nay là ngày càng mở rộng quyền của các chủ thể. Vì vậy, chúng ta phải tính tới đến lúc có đủ cơ sở dữ liệu, đủ khả năng kiểm soát thì phải cho thí sinh trúng tuyển nhiều trường và nhập học tại một trường như các nước phát triển khác. Nên các trường phải chuẩn bị tinh thần để kiểm soát tình hình theo hướng đó. Nhìn chung, cần xác định việc tuyển sinh là phải sống chung với ảo”.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, nếu các trường tuyển sinh và đào tạo căn cứ vào danh mục ngành nghề mà Bộ GD-ĐT quy định thì không còn phù hợp với thời đại số. Đây là thời đại mà ngành nghề thay đổi một cách nhanh chóng… “Phải sau khi học 1 năm, được tìm hiểu về các ngành, khi đó mới cho các em chọn lại thì chọn sẽ đúng. Không nên gò bó cứ đăng ký ngành nào là phải học mãi ngành đó”, PGS Đỗ Văn Dũng đề nghị.
Với đề xuất này, bà Phụng cho biết, danh mục ngành đào tạo hiện nay mang tính chất thống kê chứ không mang tính quy phạm. Còn các thông tư về mở ngành cũng đã quy định rõ khi các trường mở ngành mới thì sẽ phải đáp ứng các yêu cầu gì. “Vì vậy, các trường cần phải nghiên cứu và mở những ngành mới để đáp ứng yêu cầu xã hội.
Khi luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, các trường đã kiểm định được tự chủ mở ngành ĐH, đã kiểm định ngành ĐH rồi thì được tự mở ngành thạc sĩ tương ứng, đã kiểm định ngành ĐH và thạc sĩ thì được tự mở ngành tiến sĩ tương ứng. Đó là quyền tự chủ của các trường, các trường cũng nên chuẩn bị để tiếp nhận quyền tự chủ này hiệu quả nhất”, bà Phụng nói.