Một số trường đại học vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2020, trong đó với phương thức xét tuyển bằng học bạ, các trường này sẽ không xét điểm học kỳ II năm lớp 12.
Xét học bạ không tính điểm học kỳ II năm lớp 12
Đại học Greenwich (Việt Nam) tuyển sinh với tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; các thí sinh chuyển đổi tín chỉ từ các trường ĐH, CĐ khác.
Trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ, cụ thể như sau: Thí sinh được tuyển thẳng khi có một trong hai điều kiện sau:
- Điểm tổng kết lớp 11 hoặc tổng kết học kì I lớp 12 từ 6.5 trở lên.
- Điểm tổng kết lớp 11 hoặc tổng kết học kì I lớp 12 một trong ba môn: Toán, Tiếng Anh, Tin học từ 7.0 trở lên.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM công bố điều chỉnh phương thức xét tuyển học bạ bằng cách bổ sung thêm hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ. Tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên đều có thể tham gia xét tuyển.
Ngoài hình thức này, việc xét học bạ dành cho thí sinh có tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đạt từ 18 điểm trở lên vẫn giữ nguyên. Riêng ngành Dược, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cần đạt học lực giỏi năm lớp 12.
Thời gian nhận hồ sơ được chia thành nhiều đợt kéo dài từ tháng 3 tới tháng 7. Thí sinh chưa dự thi và có kết quả thi THPT quốc gia vẫn có thể nộp hồ sơ.
Ngoài xét tuyển bằng học bạ, các phương thức khác như xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi do trường này tổ chức vẫn giữ nguyên.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét học bạ bằng tổng điểm trung bình 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I lớp 12) nếu đạt từ 30 điểm trở lên. Ngoài ra, việc xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vẫn giữ nguyên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển học bạ 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I năm 12) đạt từ 18 điểm trở lên. Sau khi thí sinh kết thúc và có kết quả học tập học kỳ I năm lớp 12 có thể đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, điều kiện để trúng tuyển là sau khi hết năm học điểm trung bình lớp 12 đạt từ 6 trở lên. Việc xét tuyển chia thành nhiều đợt tháng từ tháng 4 tới tháng 10.
Song song đó, các phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thi tuyển đầu vào do trường tổ chức; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, cử tuyển vẫn được tiến hành.
Trường ĐH Văn Lang cũng xét tuyển học bạ, trong đó học sinh có thể lựa chọn một trong hai cách thức tính điểm để nộp hồ sơ xét tuyển. Cụ thể thí sinh có thể xét tuyển điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc chỉ xét điểm trung bình năm học lớp 11 và I lớp 12.
Riêng ngành Dược học tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại giỏi. Ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên. Các ngành còn lại chỉ yêu cầu tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, điểm trung bình chung môn Tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên….
Học xét điểm học kỳ II lớp 12 có ảnh hưởng chất lượng
Ở góc độ phổ thông, ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc TTGDTX Chu Văn An (TP.HCM) cho rằng hiện tại chưa biết được phần nào của học kỳ II sẽ được giảm tải. Tuy nhiên, rất nhiều trường đại học trên thế giới đã không dùng kiến thức phổ thông hàn lâm để xét tuyển. Ở Việt Nam, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã từng bước thực hiện việc này bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo ông Hoàng, chất lượng đầu vào đại học không phụ thuộc việc học sinh đã học hết chương trình học kỳ II lớp 12 mà phụ thuộc chất lượng giáo dục của cả giai đoạn trước đó (bao gồm học trong trường, tự học…).
Còn theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nhận định dù thiếu kết quả một học kỳ nhưng cũng vẫn đánh giá được chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, với việc các trường quyết định xét tuyển chỉ bằng kết quả của 5 học kỳ, những thí sinh cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển sớm trước khi kết thúc năm học sẽ đỡ lo lắng hơn. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học sớm có một lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển, đỡ lo hơn trong tình thế như năm nay.
Trong khi đó, ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng xét học bạ có ưu điểm lớn là đánh giá cả một quá trình học khi mà thi cử đôi khi có yếu tố may mắn – rủi ro.
“Việc xét như vậy sẽ không vấn đề gì và vẫn đạt chất lượng với điều kiện các trường phải dạy học và đánh giá nghiêm túc, lấy uy tín và thương hiệu nhà trường làm đầu” – ông Lý nói.
Tuy nhiên, theo ông Lý đây là giải pháp tình thế của các trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày. Còn nếu xét về kiến thức thì lớp 12 vẫn rất quan trọng, xét tuyển bằng học bạ mà bỏ qua điểm học kỳ II lớp 12 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả toàn diện. Tuy nhiên, việc này có thể chấp nhận được vì 5/6 học kỳ là tỷ lệ khá cao để đánh giá năng lực của học sinh.
Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cũng nhìn nhận việc dùng kết quả 5 học kỳ ở lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 để xét tuyển là “không có vấn đề gì”.
“Nhưng có một điều cần xem xét là việc học sinh chưa hoàn thành chương trình và tốt nghiệp THPT mà vẫn trúng tuyển ĐH, cho dù có điều kiện. Do vậy, nên có sự thống nhất để tránh tình trạng trường nhập học trước, trường nhập học sau” – ông Phương lưu ý.
Theo Vietnamnet