Nhiều ngành học mới cho phép thí sinh thỏa sức lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo “hot trend”, không nghiên kỹ chương trình, điều kiện đào tạo, thí sinh rất dễ “bé cái nhầm”.
Mùa tuyển sinh 2020, các trường đại học (ĐH) mở khá nhiều ngành học mới, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai, mặt khác cũng tăng sức hấp dẫn đối với thí sinh.
Đua nhau mở ngành
Đến nay, gần như trường ĐH nào cũng có kế hoạch mở 1-2 ngành mới, có trường mở đến 5-7 ngành. Xu hướng chung các ngành mới mở tập trung vào nhóm công nghệ.
Ở phía Bắc, riêng hệ thống trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở 17 ngành mới, trong đó đáng chú ý có các ngành: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học, quản lý phát triển đô thị và bất động sản, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, kinh tế phát triển, sư phạm lịch sử và địa lý…
Khu vực miền Trung, ĐH Duy Tân dự kiến tuyển sinh 6 ngành học mới gồm: Trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ Hàn Quốc, quản trị sự kiện & giải trí, thiết kế thời trang, công nghệ kỹ thuật ôtô, và kỹ thuật điều khiển & tự động hóa.
Ở phía Nam, ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến có 5 ngành mới gồm: Kinh doanh thương mại, thương mại điện tử, luật, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng.
Đại học Bách khoa TP.HCM dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật).
ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến mở thêm 6 ngành gồm khoa học dữ liệu, công nghệ vật liệu, vật lý y khoa, kỹ thuật địa chất, toán ứng dụng, toán tin…
Trong bối cảnh Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, việc các trường mở ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, sự phát triển ngành nghề, yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước là xu thế tất yếu. Mở một ngành mới bắt buộc các trường phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế.
Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, với những ngành mới mở ở trường thành viên, hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia sẽ thẩm định rất kỹ. Cùng điều kiện mở ngành theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, những ngành mới cũng phải đáp ứng các quy định mở ngành của ĐH Quốc gia TP.HCM thì các trường, khoa thành viên mới được phép tuyển sinh ngành mới.
Không chỉ các ĐH công lập top đầu, một số trường ngoài công lập cũng coi trọng quy chuẩn đảm bảo chất lượng khi mở ngành. Chẳng hạn, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng, từng chia sẻ đặc thù của ngành này yêu cầu người học phải được trang bị các kỹ năng, có kỹ năng thực hành, thực tập về cảng, cần trục, băng chuyền, xuất nhập khẩu, kỹ năng máy tính…
Cơ sở đào tạo phải có đội ngũ có kinh nghiệm, đồng thời phải có các phòng thực hành mô phỏng đủ lớn để người học thực hành. Do đó, nếu không có đủ đội ngũ giảng viên và mở ngành theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” chắc chắn không đảm bảo được chất lượng đào tạo. Vì vậy, khi mở ngành, trường đã có 7 chuyên gia trong lĩnh vực này để đảm bảo đội ngũ theo quy định.
Những điều thí sinh cần lưu ý
Mặc dù đa số trường đều coi trọng yếu tố đảm bảo chất lượng, nhưng trong thực tế tuyển sinh, dư luận vẫn có những nghi ngại về việc mở ngành mới ở một số đơn vị đào tạo.
Lý do, có đơn vị mở ngành mới nhưng nội hàm vẫn chủ yếu ngành cũ (bình mới rượu cũ) hoặc cùng lĩnh vực, cốt chỉ làm mới cái tên cho… hấp dẫn thí sinh. Điều này gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp.
Có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp chưa cập nhật đến khiến sinh viên ra trường khi đi xin việc làm gặp khó khăn. Đặc biệt, việc nhiều trường ồ ạt tập trung mở một vài ngành hot, cùng tâm lý đám đông muốn dễ kiếm việc, lương cao, có nguy cơ dẫn đến thị trường nhân lực bị bão hòa trong tương lai.
Vì thế, khi chọn ngành mới, ngoài việc cân nhắc những yếu tố chung như năng lực, tính cách, nhu cầu thị trường lao động, thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến chương trình đào tạo cũng như điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của ngành/trường nơi mình dự kiến đăng ký.
Hiện nay, các trường đều đưa lên trang web nhà trường thông tin cơ sở vật chất, đội ngũ, mối liên hệ doanh nghiệp… Ngoài tham khảo trên web, thí sinh cũng có thể tìm hiểu thêm qua kênh sinh viên trường, cựu sinh viên…
Nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo của ngành mới thí sinh có thể hình dung mình sẽ học cái gì, có phù hợp không. Điều này sẽ hạn chế tình trạng thí sinh “kết duyên” giữa chừng rồi bỏ cuộc vì không thích, không hợp hay không theo học nổi, lãng phí thời gian, tiền bạc. Tìm hiểu kỹ đội ngũ, cơ sở vật chất, mối quan hệ doanh nghiệp của ngành/trường thí sinh sẽ chắc chắn về chất lượng đào tạo.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo ngành đó. Bởi, nói như ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng, Giám đốc Chương trình dự báo nguồn nhân lực của Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế tại TPHCM: “Mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào”.