Nhiều trường ĐH “ngã ngửa” vì tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp hơn nhiều so với dự kiến. Các chuyên gia cho rằng, tỉ lệ nhập học thấp chủ yếu xảy ra ở các ngành/trường kém thu hút thí sinh.
30% trúng tuyển không vào trường mình đã đăng ký
Trường ĐH Kinh Bắc tuyển được 310 em trên tổng 750 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 41%.
Tuy nhiên, tới tới tận 18h30 ngày 7/8 (ngày cuối cùng thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học), chỉ có 1 thí sinh nhập học.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Vinh tuyển được 114 thí sinh trên tổng 275 chỉ tiêu. Thế nhưng, tới cuối ngày 7/8, chỉ có 2 thí sinh nhập học.
Nhiều trường đại học địa phương cũng rơi vào tình trạng gọi hàng trăm thí sinh nhưng chỉ chưa tới 10 thí sinh tới xác nhận nhập học.
Và không chỉ có các trường địa phương, một số trường ở đặt tại các thành phố lớn, lấy mức điểm khá thấp cũng rơi vào tình trạng thí sinh trúng tuyển nhưng không đến nhập học.
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM công bố danh sách trúng tuyển là 2.148 thí sinh dù chỉ tiêu của trường chỉ là 1.090. Tỉ lệ tuyển sinh đạt 197%.
Tới hết ngày 7/8, trường chỉ nhận được 134 thí sinh, đạt hơn 6% so với danh sách trúng tuyển.
Ở Trường ĐH Lâm nghiệp, kết quả xét tuyển đợt 1 có 1.046 thí sinh trúng tuyển (cơ sở phía Bắc) trên tổng số 1.572 chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh của trường chỉ đạt hơn 66%. Tới cuối ngày 7/8, số lượng thí sinh xác nhận nhập học theo báo cáo của trường chỉ là 265 em, đạt tỉ lệ chỉ 16,86%.
Ở cơ sở phía Nam, trường có 262 thí sinh trúng tuyển trên tổng số 366 chỉ tiêu (đạt 70%). Tuy nhiên, số thí sinh nhập học tới ngày 7/8 chỉ là 116 em.
Một số trường tốp giữa cũng đang phải đối mặt với hiện tượng thí sinh trúng tuyển mà không nhập học và buộc phải tuyển sinh đợt 2.
Trường ĐH Thủy lợi có tỉ lệ nhập học so với số lượng trúng tuyển là 81%. Nhưng hiện nay trường vẫn thiếu gần 1.000 chỉ tiêu và vẫn đã thông báo xét tuyển bổ sung. Con số này bằng gần 30% chỉ tổng tiêu của trường.
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải, cho tới ngày hôm nay 10/8, vẫn thiếu 380 chỉ tiêu của cơ sở Hà Nội và 250 chỉ tiêu của cơ sở TP.HCM. Tỉ lệ nhập học hơn 88,5% đối với cơ sở phía Bắc và 83% cơ sở phía Nam.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải có danh sách thí sinh trúng tuyển là 2.110, tỉ lệ nhập học tới ngày 10/8 là 1.750 em, đạt 83%. So với tổng chỉ tiêu thì trường đã đạt gần 80%.
Thế nhưng theo đại diện nhà trường, tại 2 cơ sở Thái Nguyên và Vĩnh Yên, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển mới đạt 50-60%. Do đó, trường sẽ tuyển bổ sung cho 2 cơ sở này và một số ngành còn thiếu tại cơ sở Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến 12h00 ngày 8/8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã làm thủ tục xác nhận nhập học, đạt 68.75% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000.
Điều này có nghĩa là 30% số thí sinh trúng tuyển, tương ứng khoảng 120.000 thí sinh đã không nhập học vào các trường mình đã đăng ký.
Cả Bộ lẫn trường quá tin vào hiệu quả lọc ảo?
“Thí sinh đã đi đâu?” là câu hỏi được đặt ra từ mấy năm nay. Vào năm ngoái, thí sinh ảo quá lớn, nhiều trường tốp trên như ĐH Y Hà Nội hay Bách khoa, Ngoại thương cũng không tuyển đủ thí sinh đợt 1.
Để khắc phục, năm nay, Bộ GD-ĐT khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin để lọc ảo. Bộ cũng khuyến cáo các trường hình thành 2 nhóm xét tuyển miền Bắc và miền Nam với sự tham gia của gần 150 trường để giúp công tác lọc ảo tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả nhiều trường dù đã tuyển đủ thí sinh trong danh sách nhưng tỉ lệ nhập học vẫn không cao.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì sau đợt xét tuyển đầu tiên, 170/322 trường tuyển đủ từ 100% thí sinh trở lên (trong đó 35 trường đạt từ 130% trở lên và có nhiều trường đạt tới gần 200%). Kết quả thực tế là chỉ 57 trường có tỉ lệ thí sinh nhập học từ 90% trở lên.
Giải thích về số lượng thí sinh nhập học thấp so với số lượng trúng tuyển, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng có 2 nguyên nhân chính.
“Đầu tiên là do các ngành kỹ thuật, xây dựng trong khoảng 1-2 năm trở lại đây kém thu hút hơn trước, không được thí sinh ưa chuộng. Nguyên nhân này cũng dễ hiểu vì thường thí sinh cho rằng, học các ngành kỹ thuật sẽ vất vả hơn so với các nhóm ngành khác. Trong khi việc làm sau khi ra trường cũng nặng vì đây thường là những ngành gắn với sản xuất” – ông Thạc phân tích.
Bên cạnh đó, do phương thức xét tuyển năm nay kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia cao hơn mọi năm nên nhiều thí sinh ngộ nhận về kết quả của mình tốt đã đăng ký vào những trường tốp trên cùng. Điều này dẫn đến kết quả tuyển sinh của các trường tốp trên tốt hơn trong khi các trường tốp dưới lại khá chật vật.
Ông Thạc cho rằng, số thí sinh từ 18-23 điểm do ngộ nhận chỉ đăng ký nguyện vọng vào các trường tốp trên đã trượt trong đợt xét tuyển đầu tiên sẽ là nguồn tuyển tốt cho các trường như ĐH Thủy lợi trong đợt xét tuyển bổ sung.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, việc thí sinh trúng tuyển mà không nhập học chủ yếu do nhu cầu của thí sinh.
“Các em không tha thiết với nguyện vọng đăng ký ban đầu thì sẽ không đến học. Điều này các trường rất khó can thiệp vì kể cả việc gọi điện cho thí sinh đến nhập học nhưng có thể chỉ sau một năm thí sinh lại bỏ học vì đó không phải là trường/ngành em yêu thích” – ông Dũng lý giải.
Theo ông Dũng việc tạo ra nhu cầu cho thí sinh bắt nguồn từ thương hiệu của từng trường và từng ngành, nhất là trong bối cảnh thí sinh thường lựa chọn ngành nghề theo ý của bố mẹ thậm chí là theo bạn bè như hiện nay.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng, việc thí sinh không đến nhập học chủ yếu là do các trường không đủ thu hút chứ không phần mềm nào lọc được loại thí sinh “ảo” này.
Ông Nghĩa lý giải, từ danh sách thí sinh trúng tuyển mà các trường gửi lên, phần mềm lọc ảo của Bộ chỉ giúp chỉ ra thí sinh trúng tuyển vào trường này còn trúng tuyển vào trường khác nữa, từ đó điều chỉnh danh sách trúng tuyển cho phù hợp.
Do đó, phần mềm của Bộ không thể biết được các thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng cũng có thể xét tuyển theo hình thức học bạ cũng như nhu cầu học thực tế của thí sinh.
“Trường nào năng động, làm công tác truyền thông tốt thì sức thu hút đối với thí sinh cũng cao. Chẳng hạn cùng là trường đào tạo khối ngành nông lâm nhưng ĐH Nông lâm TP.HCM tỉ lệ thí sinh đến nhập học rất cao trong khi các trường cùng ngành ở vùng khác thì lại kém hơn“.
Thừa nhận điều này, tuy nhiên, một cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH phía Bắc cho rằng, việc Bộ nhắc nhở các trường không gọi dự phòng ảo quá 20% chỉ tiêu đã khiến nhiều trường bất ngờ khi số thí sinh đến nhập học thấp hơn dự kiến.
“Có thể không chỉ các trường mà chính Bộ cũng đã quá tin tưởng vào hiệu quả của phần mềm lọc ảo mà không tính hết nhu cầu chọn ngành/trường của thí sinh. Trong khi đó, do nhắc nhở của Bộ, các trường không dám gọi nhiều vì gọi nhiều thì vi phạm quy định của Bộ còn gọi ít thì bằng chứng là tới nay chúng tôi vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu và phải tuyển bổ sung đợt 2” – vị này nhận định.
Theo Vietnamnet